Từ Giảng viên Đại học ưu tú tới Phóng viên chiến trường quả cảm

    Liệt sĩ quay phim Dương Phước An – một giảng viên ưu tú của Trường sĩ quan Lục quân 1, liệt sĩ phóng viên chiến trường anh dũng và quả cảm của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Quê hương ông nằm trên dải đất Miền Trung trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (Triệu Lễ – Đông Hà – Quảng Trị). Dương Phước An là con thứ 6 trong gia đình 10 chị em mà ông là con trai duy nhất. Cùng học Trường PTTH Lê Thế Hiếu tại Cam Chính – Cam Lộ – Quảng Trị. Ông và cô bạn cùng lớp Lê Thị Muộn là một đôi “ thanh mai trúc mã” nổi tiếng học giỏi khắp vùng. Hai người kết duyên vợ chồng sinh được 2 cậu con trai khôi ngô và giỏi giang không kém cha được đặt tên là Dương Phúc Toàn và Dương Phúc Hảo. Hai ông bà có khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau ngắn ngủi khi những mất mát, đau thương ụp đến.
    Sau khi hiệp định Genève 1954 được ký kết, Đất nước phải chịu nỗi đau chia cắt hai miền, Nam Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm mốc giới phân chia. Một số cán bộ, con em Miền Nam tập kết ra Bắc tiếp tục công cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc. Dương Phước An chia tay vợ hiền và hai con thơ, tạm biệt quê hương tập kết ra Bắc tiếp tục con đường cách mạng mà ông đã chọn. Ông được về Trường văn hóa Quân đội để học văn hóa tiếp.
    Đầu năm 1958, ông về giảng dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, năm 1961 ông được của đi học Đại học Sư phạm tại thành Vinh, năm 1962, ra trường ông tiếp tục về làm giảng viên Trường sĩ quan Lục quân 1.
    Thực hiện chỉ thị của Tổng cục Chính trị, Đoàn Điện ảnh Quân đội (nay là Điện ảnh Quân đội Nhân dân) tập trung đào tạo và rèn luyện lớp quay phim chiến trường để đi B xây dựng Điện ảnh Quân giải phóng B2. Học viên có khoảng 15 người, đa số là giáo viên văn hóa từ Trường văn hóa Quân đội chuyển đến (trong đó có Nguyễn Mạnh Nhiễu, Đỗ Trọng Hội, Nguyễn Quế, Châu Quang, Vũ Thập, Dương Phước An, Trần Cần Kiệm, Nguyễn Nhưỡng, Nguyễn Ân, Mai Văn Thảo, Ngô Quang Đạt, Lê Viết Thế, Phạm Văn Lã, Nguyễn Công Tấn, Mai Văn Thiện). Ông tham gia học lớp quay phim chiến trường do Điện ảnh Quân đội tổ chức tại khu sơ tán Tuy Lai - Hà Đông.
    Ông là một trong những người đầu tiên của Điện ảnh Quân đội đào tạo bài bản và cử vào xây dựng Điện ảnh Quân giải phóng B2 tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.
    Lớp học vừa được đào tạo lý luận chuyên môn, vừa được đi thực tập theo nhóm đến các điểm nóng, nơi có máy bay Mỹ bắn phá. Nhóm của Dương Phước An với Phạm Hanh ra thực tập ở Cồn Cỏ, và trực ở một số trận địa đánh máy bay. Dương Phước An và Phạm Hanh bất chấp hiểm nguy có mặt tại Cồn Cỏ - nơi bị máy bay và tàu chiến đánh phá ác liệt. Tổ làm phim của ông đã cùng bám trụ khắc họa hình ảnh anh hùng Thái Văn A làm nhiệm vụ quan sát tại đỉnh 63 trên đồi cao nhất đảo để xác định vị trí máy bay hay tàu chiến đối phương, rồi thông báo cho các đơn vị pháo cao xạ bắn vào mục tiêu. Dù có lúc chân đài quan sát bị gãy, đài bị nghiêng, bản thân nhiều lần bị thương, Thái Văn A vẫn không rời vị trí. Những thước phim tài liệu chân thực đó đã được hai ông ghi lại dựng nên bộ phim “CỒN CỎ ANH HÙNG” đạt giải thưởng Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ I.
Lớp quay phim đi B đầu tiên do Điện ảnh Quân đội nhân dân đào tạo
(Liệt sĩ quay phim Dương Phước An đứng thứ 3 hàng trên từ trái sang)

   Nhóm Trọng Hội, Nguyễn Quế và Vũ Thập đến chùa Non Nước, núi Cánh diều ở Ninh Bình. Sau đó các nhóm đến trận địa Cầu Gián, tại đây học viên được tập sử dụng máy quay phim 16mm và đã quay được cảnh cầu Ninh Bình trúng tên lửa máy bay, cây cầu tóe lửa, gẫy làm đôi và từ từ sập xuống. Kết thúc khóa học trong số này có 8 người được cử đi B xây dựng Điện ảnh Quân giải phóng B2.
   Họ lần lượt lên đường vào B2, Trần Cần Kiệm, Châu Quang đi vào tháng 7, tháng 8 năm 1965. Nguyên Nhưỡng, Ngô Quang Đạt, Nguyễn Quế, Đỗ Trọng Hội đi vào ngày 26/10 cùng năm. Các Ông Vũ Thập, Dương Phước An cùng là giảng viên Đại học tạm xếp lại trang giáo án lên đường đi B vào ngày 03/02/1966. Ngày 10/7/1966 Dương Phước An và Vũ Thập vào đến Nam Bộ căn cứ của Xưởng phim Quân giải phóng tại suối nước đục Cà Tum – Tây Ninh. Ngày 10/10/1966, Dương Phước An và Vũ Thập đi quay chiến sự ở Thủ Dầu Một. Tháng 6/1967, Ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ quay phim phục vụ Đại hội thi đua toàn Miền lần thứ 2.
    Vũ Thập và Dương Phước An là cặp quay phim giỏi và thành công nhất trong đội ngũ quay phim của Điện ảnh Quân giải phóng lúc bấy giờ. Ngược lại với Vũ Thập sôi nổi vui vẻ, Dương Phước An vẫn giữ mối liên hệ tốt với đồng đội nhưng lại thâm trầm kín đáo. Sức mạnh nội tâm đã thuyết phục được Giám đốc Xưởng cử ông cùng Nguyễn Quế đi Bến Tre, để làm một phóng sự về mảnh đất này trong Chiến tranh Cục bộ. Đến đất thánh của cách mạng Miền Nam - Bến Tre là mơ ước của nhiều phóng viên. Dương Phước An và Nguyễn Quế đã phải trải qua những gian truân, nguy hiểm khi vượt qua sự canh gác gắt gao của các đồn bốt của địch, các sông rạch chằng chịt. Giọng Quảng Trị của anh ở đất Bến Tre gây được sự chú ý cho nhiều người. Trong một buổi tối, xong việc ngồi chơi với một du kích địa phương đến thăm hỏi Dương Phước An. Sau khi thăm hỏi quê quán của An, anh ta đòi An thưởng cho một xị rượu đế rồi anh ta kể về quê nhà của An: Trước đây khi anh ta đi quân dịch bị điều động ra vùng 1 chiến thuật (tức Thừa Thiên – Quảng Trị) có đến thăm viếng nhà dân. Nghe An nói đúng tên xóm làng, người thân trong nhà, anh ta đã xác định rằng anh ta đến đúng nhà An. Biết được trên mười năm nay, An không có tin tức gia đình. Anh ta chỉ cung cấp vài chi tiết là bố mẹ An vẫn sống mạnh giỏi và chị vợ An vẫn chờ An, không đi lấy chồng. Chị ta đứng đắn, có vẻ như người hoạt động cách mạng cho đằng mình. Chỉ biết bấy nhiêu thôi đã tiếp thêm cho ông thật nhiều sức mạnh. Sau chuyến đi Bến Tre về anh vui vẻ và cởi mở hơn trước. Sau này, Dương Phước An nhận thêm tin nhà qua một người từng là lính ngụy, vui niềm vui ngắn ngủi trong 03 tháng cuối đời, rồi hy sinh anh dũng trên nẻo đường giao liên sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quay lại những thước phim lịch sử của chiến dịch Mậu Thân 1968 cũng là một ký ức không bao giờ phai trong lòng đồng đội.
 
Liệt sĩ Dương Phước An đi làm phim tại Thành Thới Bến Tre chuẩn bị đánh tàu Mỹ trên sông Cổ Chiên

    Tháng 11/1967, ông tiếp tục đi quay chiến dịch “Hòn đá vàng” ở vùng Bình Long – Tây Ninh. Ngày 20/02/1968, tức trước tết âm lịch 10 ngày Điện ảnh Quân giải phóng được lệnh ăn tết trước để chuẩn bị tham gia tổng tấn công Mậu Thân 1968. Các đội quay phim, chiếu bóng triển khai về bám theo các đơn vị tiền phương ghi hình và chiếu bóng động viên anh em. Đỗ Trọng Hội, Hồng Hải đi Rừng Sác, sông Lòng Tàu; đội của Trần Bá Nhàn, Hoàng Quốc Hùng đi Công trường 9; đội Nguyễn Quế xuống Công trường 5; đội Nguyễn Văn Châu xuống Trung đoàn Quyết thắng 1; ngày 22/02/1968 đội Dương Phước An  và Vũ Thập đi Long An, Phân khu 2; đội của ông Trần Cần Kiệm, Hồ Thanh Xuân đi tuyến sau. Ông Trương Thành Hỷ, Phùng Bất Diệt, Thanh Tịnh xuống Ban chỉ huy để thống nhất chờ ghi hình ảnh cố vấn Mỹ bị ta bắt làm tù binh.
   Tất cả các anh em quay phim ra trận hừng hực khí thế, quyết tâm ghi lại thật nhiều hình ảnh sống động chân thật nhất. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, các đội quay phim của Điện ảnh Quân giải phóng rất dũng cảm bám theo đội hình tiến công của Quân giải phóng, quay được nhiều thước phim tài liệu có giá trị. Quay phim Châu Quang ngồi trên cây quay toàn cảnh bộ đội đánh vào căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) cảnh Quân giải phóng tiến công các cứ điểm của địch thọc sâu nội đô Sài Gòn. Dương Phước An và Vũ Thập đi đợt 1 Mậu Thân 1968 hơi trễ nên vào đến ngoại vi Sài Gòn thì bộ đội đã bắt đầu rút ra, hai ông nằm lại chờ đợt 2. Khoảng 4/1968, các ông bị trực thăng bắn phá vào nơi trú ẩn chỉ kịp di chuyển máy móc, còn tư trang hai người để chung bị bắn nát cả. Bắt đầu đợt 2, trên cử thêm 1 máy quay và 2 người xuống phụ nên Dương Phước An và Vũ Thập chia làm 2 tổ khác nhau bám sát mũi tiến công của Quân giải phóng vào nội đô theo hướng quận 5, 6 và 11.
   Quay phim Dương Phước An dũng cảm xông xáo cùng mũi đi đầu quay cảnh bộ đội vượt qua cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn đoạn nối với quốc lộ 22 đi Củ Chi, Tây Ninh trước cửa nhà máy dệt Vinatexco (nhà máy dệt Thắng Lợi); cảnh bộ đội đang bắn trực thăng Mỹ trên bầu trời thành phố. Đến ngày 11/5 các tổ trên đường rút ra gặp lại nhau ai cũng vui vì quay được nhiều cảnh ưng ý. Thấy thời gian tiến hành đợt 3 còn dài, Dương Phước An đem phim trở về căn cứ. Đoàn đi có 12 người có cả đồng chí Chính trị viên ngành giao liên của tỉnh có thể nói khá đảm bảo an toàn. Nhưng thật không may, khi trở về gần tới căn cứ cách khoảng 4 giờ đi bộ thì đoàn rơi vào ổ phục kích của địch gài mìn, khiến bốn đồng chí hy sinh tại chỗ trong đó có liệt sĩ Dương Phước An tại bờ kinh Bo Bo gần giáp Kinh Sáng. Bị địch vây ráp gắt gao nên mãi đêm hôm sau mới có lực lượng xuống tìm kiếm và làm lễ truy điệu mai táng các anh.
   Nguyễn Quế, nhà quay phim kỳ cựu của Điện ảnh Quân đội cùng học lớp phóng viên chiến trường chỉ công tác chung với Dương Phước An có hơn 4 năm, từ Hà Nội đến rừng già Tây Ninh. Đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày Dương Phước An hy sinh nhưng giọng nói, dáng đi cảnh quay của Dương Phước An vẫn rõ mồn một trong tâm trí người lính già đã qua một thời binh lửa.
   Những thước phim do liệt sĩ Dương Phước An, liệt sĩ Châu Quang trên cửa ngõ Sài Gòn; liệt sĩ Nguyễn Văn Năng trên lộ 22 và đồng đội quay được trong chiến dịch sau này dựng thành 02 tập phim: Một vài hình ảnh tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (Bông sen Vàng tại LHP VN lần thứ I năm 1970) và Đại hội những người chiến thắng 1969 (Bông sen Bạc LHP VN lần thứ I năm 1970).
   Ngược về quê, vợ ông ở lại quê nhà tham gia cách mạng ở địa phương nuôi dạy hai con nhỏ và chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già đợi chờ ngày ông sẽ trở về trong đoàn quân chiến thắng. Ông và đồng đội đâu có ngờ rằng chính vào ngày ông hy sinh thì ở quê nhà 2 con thơ của ông cũng ra đi tức tưởi vì đạn bom của kẻ thù… một sớm tháng 5/1968 là một năm đau thương mất mát quá lớn với gia đình ông. Con ông khi đó con lớn 14 tuổi, nhỏ 12 tuổi buổi sớm giúp mẹ đưa trâu đi làm đồng vướng mìn của địch anh em đều thiệt mạng. Bà người vợ thủy chung, kiên cường của ông đã phải gánh chịu nỗi đau quá lớn khi mất đi hai người con và người chồng thân yêu trong tháng 5.1968. Khi biết tin ông hy sinh, bà đã khóc cạn nước mắt rồi đổ bệnh hóa dại điên một thời gian dài hơn 4 năm trời… bà như cứ quanh quẩn vào ra ngôi nhà nhỏ giống người không hồn.
   Năm 1977, người bạn thân đồng đội của ông là Vũ Thập gửi thư về kể trường hợp hy sinh của chồng bà cho gia đình. Bà nhận rồi cất kỹ vào dưới đáy tủ mà chẳng nói với ai một lời. Mãi mấy chục năm sau, khi người nhà tìm kiếm kỷ vật của ông và thông tin để tìm hài cốt ông mới phát hiện ra bức thư bà giữ từ lâu. Cũng nhờ sự quan tâm của những người thân yêu của ông và bà, của bà con xóm giềng, dần dần bà nguôi ngoai và bình phục sau bao mất mát đau thương tột cùng. Tuy khỏi bệnh, nhưng nỗi đau mất mát người thân thì không bao giờ lành… Sức khỏe và trí nhớ của bà giảm sút rất nhiều. Bà cùng người thân đã nỗ lực để tìm kiếm hài cốt của ông để mong được đón ông về mảnh đất quê hương… nhưng ước nguyện nhỏ nhoi của bà chưa thành thì bà ra đi năm 2008.
   Trong chuyến công tác tại Quảng Trị tháng 7 vừa qua Đoàn công tác của Điện ảnh Quân đội nhân dân chúng tôi ghé thăm gia đình và tìm tư liệu về ông. Khi được “o” Dương Thị Sở, em gái ông giở cho xem một số kỷ vật còn lại của ông, nghe o kể cho chúng tôi những kỷ niệm, cuộc đời của ông bà. Thực sự chúng tôi không sao cầm nổi nước mắt cứ trào ra... chiến tranh đã lấy đi của ông bà quá nhiều tột cùng của nỗi thương đau…
Dương Phước An hy sinh, di sản của ông và đồng đội để lại là những thước phim chân thực và nghệ thuật cao mà ông và đồng đội phải đổi bằng máu góp phần tô thắm những trang sử vẻ vang của Điện ảnh Quân đội.

    Những thước phim cuối cùng của ông được dựng trong phim: Vài hình ảnh Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I); Chiến thắng xuân hè 1969 (Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ II); Đại hội những người chiến thắng (Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ I). Với khoảng thời gian không nhiều, Dương Phước An và đồng đội đã mang về cho Điện ảnh Quân đội 2 giải Bông Sen vàng, 2 giải Bông sen Bạc và hàng ngàn mét phim tư liệu quý giá…
    Nếu ông may mắn trở về sau chiến tranh, thì tôi tin ông còn tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật. Giờ đây chúng ta khi được xem lại những thước phim của ông và đồng đội đã bất chấp hiểm nguy lao vào trận đấu theo mũi xung phong khiến chúng ta càng đáng suy ngẫm tự hào và biết ơn những bậc tiền nhân.
Dương Thái Bình

 

Bài viết liên quan