CUỘC ĐẤU TRANH GIỮA LÝ TRÍ VÀ DỤC VỌNG, BẢN CHẤT DỄ SA NGÃ CỦA CON NGƯỜI TRONG PHIM “LAST YEAR AT MARIENBAD”



ĐẶT VẤN ĐỀ
“Last year at Marienbad” là một bộ phim được nhà văn nổi tiếng Alain Robbe Grillet viết kịch bản, đạo diễn bởi Alain Resnais. Không gian và thời gian chồng lấn hỗn độn. Chỉ có hai nhân vật chính. Lời thoại dài dòng và đầy tính sân khấu. Các ký hiệu khó hiểu tràn ngập. Vậy mà khi nghiên cứu kỹ bộ phim, khán giả có thể nhận thấy nó thể hiện một thế giới rất thực, rất gần gũi, thấy chính mình trong đó. Mỗi khán giả sẽ có nhận định riêng về cái cốt lõi của phim, nhưng có lẽ phần đông khán giả sẽ thừa nhận trong phim có cuộc đấu tranh từ chối hay thu nhận một ký ức, do một nhân vật cố gán cho nhân vật còn lại. Quan điểm của người viết là: ký ức nói trên là ký ức ảo không có thật, và cuộc đấu tranh từ chối hay thu nhận nó là ẩn dụ cho cuộc đấu tranh giữa lý trí và dục vọng trong nội tâm con người, nó thể hiện bản chất dễ sa ngã của con người. Bài viết này xin phân tích làm rõ quan điểm ấy.
CUỘC ĐẤU TRANH GIỮA LÝ TRÍ VÀ DỤC VỌNG, BẢN CHẤT DỄ SA NGÃ CỦA CON NGƯỜI TRONG PHIM “LAST YEAR AT MARIENBAD”
1. Tóm tắt chuyện phim
          Tóm tắt lại phim “Last year at Marienbad” là một việc khó. Mọi cố gắng sẽ chỉ đưa ra một bản tóm tắt tương đối; bởi thời gian và không gian trong “Last year at Marienbad” không hoàn toàn tuyến tính mà trộn lẫn giữa thực và ảo, hiện tại và quá khứ. Tuy vậy, người viết vẫn xin đưa ra một tóm tắt để thuận tiện cho việc theo dõi và phân tích.
          Câu chuyện diễn ra tại một khách sạn sang trọng. Các vị khách có vẻ thuộc giới thượng lưu xem một vở kịch tại phòng hòa nhạc. Nhân vật chính trong vở kịch mà các vị khách thượng lưu đang xem là một căp tình nhân. Người đàn ông thuyết phục người phụ nữ đi theo anh ta, sau khi than thở về nỗi cô đơn giữa một khách sạn nặng nề, đơn điệu. Kết thúc vở kịch, người phụ nữ bị người tình thuyết phục, cô ta nói: Giờ đây, em là của anh.
          Sau vở kịch, các vị khách túm tụm tán chuyện và chơi bài. Giữa những câu chuyện của họ, ta thấy họ nhắc đến một anh chàng tên là Frank và chuyện giữa anh ta với một cô gái đẹp. Họ nói: Hắn sắp đặt tất cả, thật phi thường. Hắn lừa nàng rằng hắn được cha nàng cử đến chăm sóc nàng. Rồi một đêm, hắn vào phòng nàng, lấy cớ là giảng giải cho nàng một bức tranh...   
Những câu chuyện tán gẫu được ghi nhận bởi một điểm nhìn đảo qua khắp các ngóc ngách, tới từng nhóm nhỏ. Dần dần, điểm nhìn ấy gắn với điểm nhìn của một người đàn ông – ta tạm gọi là Chàng – lang thang khắp khách sạn, quan sát mọi người. Lẫn trong những vị khách là một phụ nữ – ta gọi là Nàng. Chàng lại gần Nàng, nói rằng năm ngoái, họ đã từng yêu nhau, năm nay anh ta đến đây theo đúng lời hẹn với nàng để đưa nàng cùng đi.
Chàng kể câu chuyện năm ngoái, câu chuyện mà Nàng không hề biết. Câu chuyện có khởi đầu giống một cách lạ lùng với vở kịch vừa được diễn ở đầu phim, chỉ khác là được kể bằng giọng của Chàng.
 Ban đầu Nàng phủ nhận. Nhưng Chàng rất kiên nhẫn nài nỉ, chứng minh. Chàng kể chi tiết về lần gặp đầu tiên, về lần nàng bị gãy gót giày, về người chồng của nàng, về lời hẹn ước. Chàng sử dụng những phương pháp ám thị để chi phối nàng như nhắc đi nhắc lại một câu mệnh lệnh, hoặc sử dụng những chi tiết đầy dục tính. Mỗi lần Chàng kể, Nàng lại tự tưởng tượng về câu chuyện ấy. Những tưởng tượng dần trở nên chân thật. Dường như Nàng chấp nhận những lời kể là thật, khi Nàng mạnh dạn bước ra hành lang khách sạn, và nhận ra nó giống hệt trong tưởng tượng. Nội tâm Nàng chấn động mạnh mẽ bởi những hình ảnh tội lỗi và gợi ý tình dục. Dần dần Nàng đuối sức và bị thuyết phục. Sau lần cuối cùng cưỡng lại Chàng, Nàng chấp nhận câu chuyện về năm ngoái mà Chàng kể là thật, và đi theo Chàng.
Tóm tắt thật ngắn gọn về “Last year at Marienbad”, đó chính là câu chuyện về sự đấu tranh giữa lý trí và dục vọng để chấp nhận hay từ chối một ký ức ảo được tạo nên từ ám thị.
Tóm tắt trên đây cho thấy rõ rằng: Chàng đã sử dụng ám thị để lôi kéo Nàng vào một ký ức không có thật, một ký ức ảo do Chàng dựng nên bằng rất nhiều xảo thuật. Điều đáng suy ngẫm là tại sao Nàng để cho Chàng lôi kéo vào trò chơi ấy, và tại sao Nàng chấp thuận ký ức ảo ấy là thật.
Chàng và Nàng – hai nhân vật chính
 
2. Không gian và thời gian trong “Last year at Marienbad”
          “Last year at Marienbad” được kết cấu xoay quanh vấn đề ký ức và tình cảm của nhân vật. Do vậy, không gian và thời gian trong phim không được phân chia tuyến tính và tách bạch như thông thường.
Về mặt thời gian, hiện tại và quá khứ chồng lấn lên nhau rất khó xác định. Trong lời kể của Chàng về “năm ngoái” lại xuất hiện một “năm ngoái” nữa, khi Nàng và người “chồng” tưởng tượng nói về việc Frank có xuất hiện năm ngoái hay không. Bên cạnh đó, việc xác định thời gian dường như đã trở nên không còn quan trọng khi phim cố ý nhấn mạnh vào tâm lý và tưởng tượng của hai nhân vật, đặc biệt là Nàng. Thời gian dường như thường xuyên ngưng đọng, với những vị khách đứng bất động, khi Chàng và Nàng chơi trò chơi ký ức. Ký ức về “năm ngoái” luôn đưa nàng trở lại quá khứ, mỗi khi chàng miêu tả “chuyện năm ngoái”: lần gặp đầu tiên ở cạnh hai bức tượng, lần gặp ở khu vườn, lần nàng cãi nhau với “chồng”...
Về mặt không gian, có thể nói không gian trong phim gói gọn trong một khách sạn sang trọng với phong cách kiến trúc baroque cầu kỳ. Tuy vậy, theo diễn biến câu chuyện mà Chàng kể và theo diễn biến tâm lý của Nàng, không gian đã nhuốm màu sắc chủ quan của cả hai nhân vật. Mỗi khi chàng kể về “năm ngoái”, nàng lại trở về với không gian tưởng tượng: lan can, khu vườn, phòng của nàng… Không gian ấy là của riêng hai người hoặc riêng nàng, và nó biến đổi theo diễn biến đấu tranh giữa Chàng và Nàng: nó sẽ như lời kể của Chàng nếu Nàng không kháng cự, và sẽ biến đổi một chút nếu Nàng cưỡng lại.
Phân tích về không gian và thời gian trong “Last year at Marienbad”, có lẽ cách tiện lợi nhất là chia làm ba loại không – thời gian: Hiện tại khách quan, Hiện tại chủ quan và Tưởng tượng.
a. Không – thời gian Hiện tại khách quan:
Không – thời gian Hiện tại khách quan chính là nơi diễn ra những câu chuyện khách quan, bằng điểm nhìn khách quan hoặc điểm nhìn của nhân vật nhưng chưa nhuốm màu sắc chủ quan.
Đó là ở đoạn đầu phim, khi các nhân vật xem vở kịch rồi tản ra tán gẫu. Điểm nhìn ở đoạn đầu dường như là là khách quan, nhưng dần trở thành chính là điểm nhìn chủ quan của nhân vật Chàng. Lúc này, điểm nhìn chưa bị cài đặt những yếu tố ám thị, nên thông tin mà nó thu nhận đến với khán giả vẫn là khách quan. Bằng nội dung vở kịch và nội dung những câu chuyện của các vị khách, khán giả được cung cấp thông tin để “biết trước” câu chuyện Chàng sẽ kể cũng như kết cục cuối cùng: Nàng thuộc và Chàng hệt như người phụ nữ trong vở kịch. Sau cùng, khán giả hiểu rằng chàng đã dựa trên chính những thông tin ấy để dựng lên câu chuyện ký ức nhằm thuyết phục nàng.
Đó là những khi hai nhân vật tương tác với nhân vật thứ ba. Cần đặc biệt chú ý đến nhân vật người mặc vest đeo nơ dường như là một người phục vụ khách sạn (ta tạm gọi là nhân vật Người Phục vụ). Các thông tin mà Người Phục vụ mang đến như câu chuyện thật về bức tượng vợ chồng vua Charles III khiến những câu ba hoa của chàng bị “bóc mẽ”, hoặc việc anh ta luôn luôn chiến thắng Chàng trong các trò chơi đã khiến Chàng tự đặt mình vào thế đối đầu với Người Phục vụ, từ đó xây dựng Người Phục vụ làm nhân vật “phản diện” - người chồng - trong câu chuyện tưởng tượng của Chàng. Với sự xuất hiện của Người Phục vụ, số lần ít ỏi xuất hiện của Không – thời gian khách quan là những điểm tựa để khán giả phân biệt được các Không – thời gian Chủ quan và Tưởng tượng, từ đó lần ra diễn biến trò chơi ám thị của đôi tình nhân.
b. Không – thời gian Hiện tại chủ quan
Đó là những thời khắc hiện tại nhưng nhuốm đầy tính ám thị, những khi chàng cố gắng kể chuyện để thuyết phục nàng tin vào cái ký ức giả mà chàng dàn dựng. Chỉ có đôi tình nhân bên nhau, những nhân vật khác hoặc bất động hoặc biến mất. Chàng luôn lấn lướt và chủ động, thao thao bất tuyệt về “chuyện năm ngoái”, nàng trả lời nhát gừng, yếu ớt và bị lôi kéo. Đây chính là đấu trường giữa cặp tình nhân, một người thuyết phục để chiếm đoạt người kia, một người phòng vệ và rồi hàng phục.
Trong Không thời gian Hiện tại chủ quan, những gì diễn ra dường như là khách quan, nhưng phản ánh tâm trạng chủ quan và khát vọng thầm kín của nhân vật.
Đó là hình ảnh những người đàn ông bắn súng. Nó ám chỉ khát vọng tình dục đang dồn nén đến mức phải được xả tung ra hàng loạt. Khát vọng ấy là của Chàng và cũng là của Nàng.
Đó là chiếc cốc vỡ khi Nàng giật mình trong quán bar. Nó ám chỉ sự tan vỡ của sự phòng vệ bên trong Nàng.
c. Không – thời gian Tưởng tượng
Đó là những gì xảy ra trong tâm trí nàng khi nàng lắng nghe lời kể của Chàng và tưởng tượng về nó. Chất liệu tưởng tượng được lấy từ chính khách sạn Nàng đang ở. Lần gặp đầu tiên ở cái lan can cạnh bức tượng. Lần gặp tiếp theo ở sân khách sạn đầy lá rụng. Lần chàng xông vào phòng Nàng khiến nàng khiếp sợ… Đây chính là đấu trường nội tâm của Nàng, nơi lý trí và dục vọng của Nàng đấu tranh với nhau.
3. Thủ thuật của Chàng trong việc áp đặt Ký ức ảo
Bằng cách ám thị, Chàng đã chi phối tâm lý, làm sai lệch hồi ức của Nàng, tạo ra một ký ức ảo, một ký ức không có thực. Ký ức ảo được xây dựng giống như một kiểu “bói dựa”, một kiểu sáng tạo dựa trên tâm lý người nghe và phóng tác những yếu tố có thật ngoài đời.
Các thủ thuật mà chàng áp dụng như sau:
a. Sáng tạo câu chuyện dựa trên những thứ quen thuộc:
Đó chính là cách chàng xây dựng ký ức ảo: Sử dụng những chất liệu quen thuộc và thêm thắt khi cần thiết. Các chất liệu đó là gì?
- Nội dung vở kịch. Vở kịch kể về một người đàn ông chờ đợi, thuyết phục một người phụ nữ đi cùng mình. Anh ta nói: Tôi lại đi lên đường để gặp em. Giữa những bức tường đầy những đồ gỗ, với những bức tranh tranh được đóng khung, những hàng cột và hành lang, tôi đã chờ đợi em ở đó. Rất xa với khung cảnh nơi tôi thấy mình bây giờ, vì em vẫn chờ đợi một người sẽ không đến. Một người có thể không bao giờ đến, để chia tách chúng ta một lần nữa, để cướp em khỏi tôi…
Chàng bắt đầu câu chuyện bằng chính những nội dung của vở kịch. Cũng lời thoại đầy tính sân khấu ấy, cũng nội dung ấy. Chàng lấy ngay những lời của vở kịch để làm mê đắm tâm lý của nàng. Bắt đầu bằng việc mô tả mình là nạn nhân: Những hành lang chéo dẫn đến các phòng trống, những căn phòng nặng nề với kiểu trang trí cũ. Những căn phòng câm lặng, nơi tiếng bước chân bị những tấm thảm dày và nặng hút mất, đến nỗi tất cả tiếng động không tới được tai. Như thể tai rất xa mặt đất, xa những hình trang trí trống rỗng này, xa trần nhà với các nhánh và vòng hoa kiểu cổ điển này. Như thể mặt đất vẫn là cát, sỏi và đá lát mà tôi lại một lần nữa đi qua...
- Những chi tiết, bối cảnh đời thực được đưa vào câu chuyện: Hành lang, lan can, khu vườn, bức tranh, bức tượng ở khách sạn được chàng đưa vào câu chuyện. Chàng tả rất chi tiết tư thế của nàng ở lan can, chi tiết khu vườn, chi tiết về hình hài bức tượng. 
Chàng lấy chính cách để tay, dáng ngồi của Nàng trong Không – Thời gian Hiện tại để miêu tả tư thế Nàng trong Không – Thời gian Tưởng tượng. Cùng lúc với điểm nhìn của Chàng tiến tới Nàng đang ngồi bên bàn, hơi ngả người về phía trước, Chàng kể về ký ức ảo bằng giọng V.O: “Em không thay đổi. Vẫn nụ cười ấy, vẫn cách để tay ấy, vẫn mùi nước hoa ấy…” Cuốn sách Nàng đang đọc khi đó có thể là thư tình của Chàng. Giọng V.O là của chàng, điểm nhìn là của Chàng.
Vì lấy bối cảnh thực làm chất liệu của ký ức ảo, Chàng càng khiến Nàng tin vào ký ức ấy.
- Những con người thật được chàng lôi kéo vào câu chuyện:
Chàng tiến xa tới mức đưa một người ngoài đời thực vào làm nhân vật chính trong câu chuyện. Người Phục vụ, người luôn cảnh giác nàng và luôn thách thức chàng, bị biến thành chồng của nàng. Ta nhớ rằng, anh phục vụ này chỉ làm đúng phận sự của mình, nhưng vô tình anh ta trở thành người ngáng đường chàng. Anh phục vụ bày những trò chơi mà anh ta luôn thắng, Chàng luôn thua. Người Phục vụ  bóc mẽ những ba hoa của chàng về bức tượng Charles III và vợ. Cũng là anh ta tiến tới hỏi thăm Nàng khi Nàng đi theo Chàng đến buổi hòa nhạc, và ở phía sau quan sát khi Chàng tìm cách kể chuyện cho Nàng ở bàn ăn. Người Phục vụ đã có đôi lần suýt khiến cho nàng tỉnh ngộ, thoát khỏi mạng lưới ám thị.
Cái chết của Nàng trong tưởng tượng (Cảnh trong phim)
 
Đây là chiến thuật ranh ma, bằng việc biến Người Phục vụ thành người chồng, Chàng vô hiệu hóa mọi sự bóc mẽ và quan tâm của anh ta đối với họ. Bằng cách dựng chuyện về người chồng bằng cách áp đặt: “Hắn đã rời khỏi phòng em. Em đã cãi nhau với hắn”, Chàng biến Người Phục vụ thành người chồng ngoại tình, người sẽ bỏ nàng ra đi, và cáo buộc Nàng vẫn cứ đợi chờ gã chồng bội bạc mà không quan tâm đến Chàng, không đi theo Chàng.
b. Lảng tránh sự thật: Khi Nàng nói Nàng chưa đến Frederiksbad, Chàng “chữa cháy”: “Đó có thể là nơi khác, có thể là Karlstad hoặc Marienbad”. Khi nàng hỏi “Anh là ai? Tên anh là gì?”, Chàng tránh trả lời mà xoáy sâu vào ám thị: “Không quan trọng. Quan trọng là em đã ở đây”.
c. Hỏi ngược, đảo ngược tình thế: Khi Nàng nói không quen Chàng, những gì Chàng kể chỉ là giấc mơ, hoặc ký ức này không có thật, Chàng không trả lời mà hỏi ngược lại: “Nếu là mơ, sao em lại sợ?”, “Vậy tại sao em ở đây?”. Cũng vậy, khi Nàng phủ nhận quen Chàng, không biết về Chàng cũng như tấm gương và bức rèm, Chàng nắm luôn chi tiết ấy và hỏi ngược lại: “Bức rèm nào? Tấm gương nào?”. Bằng cách đảo ngược tình thế, Chàng đưa ngay các chi tiết này vào Không – Thời gian Tưởng tượng, như sau đó chúng đã xuất hiện trong Tưởng tượng của Nàng.
d. Áp đặt, chi phối tâm lý:
          Sự áp đặt thể hiện rất rõ qua những mệnh lệnh mà Chàng sử dụng rất thành thạo: Câu “Nhớ lại đi” được nhắc đi nhắc lại như mệnh lệnh ám thị. Câu “Họ có thể là anh, em hay bất kỳ ai” được nhắc đi nhắc lại để gây hoang mang cho Nàng, khiến Nàng không thể phân biệt giữa ký ức thật và ảo. Khi gặp nhau ở cầu thang, Chàng tấn công Nàng ngay lập tức bằng cách áp đặt: “Em đang đợi tôi!”.
Trong Không - thời gian tưởng tượng, sự áp đặt được thể hiện rất rõ. Chàng mô tả chi tiết hành động của Nàng tại lan can: Nàng đứng một mình, tay đặt trên lan can, nhìn dọc theo con đường lớn của khu vườn. Sự mô tả càng chi tiết, tính áp đặt càng cao. Khi nói về cuộc gặp ở khu vườn, Chàng ra lệnh “Cuối cùng em phải nắm tay anh khi cởi giày”.
Mưu toan áp đặt thể hiện rất rõ khi Nàng thể hiện sự chống cự tại Không – Thời gian Tưởng tượng bằng cách không làm theo những chỉ dẫn của Chàng, Chàng tỏ ra hoảng hốt, hét lên: “Không! Không! Em rất hợp tác mà! Em rất hợp tác!”
 e. Sử dụng các ký hiệu ám thị:
          - Giày cao gót: Chi tiết giày cao gót với gót nhọn cắm xuống đất là biểu tượng của tình dục, của bộ phận sinh dục nam.
          - Bức ảnh chụp Nàng: Ban đầu Chàng không giải thích được vì sao có bức ảnh, chụp khi nào. Nhưng rồi Chàng có nó. Việc Chàng đưa ra bức ảnh đã gây ấn tượng mạnh với Nàng.
Các ký hiệu này đã là những đòn quyết định đánh gục sự phòng thủ của Nàng, như phần dưới đây sẽ phân tích.
f. Tạo cảm giác tội lỗi cho Nàng:
Tạo cảm giác tội lỗi là một phương pháp tâm lý rất hiệu quả và rất tàn độc. Cáo buộc đi từ đơn giản đến gay gắt: “Em không bao giờ đợi tôi”; “Tôi đã van xin em hãy đi cùng tôi, em nói không thể”; “Em đã bỏ đi”. Chính những cáo buộc ấy đã tạo nên cảm giác tội lỗi ở Nàng, dẫn đến cảnh Nàng bị giết ở Không – Thời gian Tưởng tượng.
g. Tăng dần mức độ gần gũi và táo bạo: Theo dõi những gì diễn ra ở Không – Thời gian Tưởng tượng, ta thấy ký ức ảo đi từ xa đến gần, từ lan can, khu vườn đến phòng ngủ của Nàng, giường của Nàng, và đỉnh điểm là cảnh điểm nhìn của Chàng như muốn tiến sâu vào Nàng, khiến Nàng hét lên. Cảnh này khiến khán giản lien tưởng đến một cảnh cưỡng bức được thể hiện kín đáo.
          Bằng sự “lấn tới” về tâm lý rất ranh ma và lạnh lùng, Chàng đã dần dần chi phối Nàng, biến ký ức ảo thành ký ức thật.
4. Cuộc đấu tranh từ chối ký ức ảo của Nàng
          Phần nhiều ý nghĩa nhất trong “Last year at Marienbad” chính là sự cưỡng lại yếu ớt và sự đầu hàng, chấp nhận ký ức ảo của Nàng, trong đó đáng lưu tâm nhất là những gì diễn ra ở Không – thời gian Tưởng tượng. Quá trình đi từ từ chối đến chấp nhận ký ức ảo của Nàng diễn ra như sau:
          Thoạt tiên, Nàng lẫn trong đám đông qua điểm nhìn của Chàng. Nàng khuất trong góc nên sẽ không lôi kéo sự chú ý của khán giả. Nhưng để ý kỹ, ta thấy Nàng là người duy nhất đơn độc một mình. Có lẽ đó là lý do Chàng tiếp cận Nàng.
Nàng từ chối ký ức ảo bằng cách phủ định việc mình quen Chàng. Nàng nghe Chàng kể chuyện với vẻ hờ hững và còn chê những gì chàng kể. Như đoạn thoại sau đây:
-  Chàng: Em không chú ý nhỉ?
- Nàng: Anh làm hướng dẫn viên không giỏi đâu.
- Anh có thể chỉ cho em nhiều thứ nếu em muốn.
- Khách sạn này nhiều bí mật không?
- Nhiều…
Rõ ràng là Nàng chưa chấp nhận câu chuyện ảo của Chàng. Nhưng bằng câu hỏi “Khách sạn này nhiều bí mật không?”, Nàng đã để lộ điểm yếu của mình: Một người cô đơn đầy tò mò, ham thích phiêu lưu.
 Bằng việc thả mình theo cuộc phiêu lưu, Nàng đã mở cửa tâm trí cho ký ức ảo xâm nhập, bằng cách tưởng tượng về ký ức ảo y như những ám thị của Chàng – Chàng kể gì thì trong Không – thời gian Tưởng tượng, Nàng làm theo hệt như vậy.
Rồi Nàng giật mình cưỡng lại bằng cách phủ định, như ví dụ ở hai đoạn thoại sau:
Đoạn 1:
- Không thể. Em chưa bao giờ đến Frederiksbad.  
          - Cũng có thể là nơi khác. Karlstad hoặc Marienbad… Em đi theo anh và anh cứ thế chỉ cho em các bức tranh…
          Đoạn 2:
          - Em đang đợi tôi.
          - Không. Vì sao? 
          - Anh đã đợi em rất lâu. Em chạy trốn khỏi anh.
          - Em không hiểu anh nói gì.
          Nhưng những thủ thuật của chàng mau chóng đưa nàng trở lại với ký ức ảo. Nàng tưởng tượng về lan can, khu vườn đúng y như Chàng mô tả. Khi Nàng ngoan ngoãn ghi nhận chi tiết ám thị cởi giày và đi chân đất, Nàng đã nhận một tín hiệu quan trọng về tình dục. Chiếc gót giày nhọn tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam, bàn chân trần chạm đất gợi nhắc kín đáo đến sự đụng cham thân xác.
Đối thoại ở chân cầu thang (Cảnh trong phim)
          Ký ức càng tiến xa trong Không – thời gian Tưởng tượng. Nàng ngồi ôm một mớ giày cao gót. Hình ảnh ấy biểu hiện khao khát mãnh liệt về tình dục của Nàng và sự khiêu khích về tình dục từ phía Chàng. Điều ấy khiến Nàng sợ hãi. Do đó mà tại quán bar, Nàng đột nhiên giật mình và khiến chiếc cốc vỡ. Với chi tiết chiếc cốc vỡ, Nàng dường như nhận ra mình đã đi quá xa. Chiếc cốc thủy tinh trong suốt đại diện cho nhận thức của Nàng về phẩm hạnh, các giá trị đạo đức. Nó vỡ, nghĩa là Nàng nhận thấy mình đã bước sang lãnh địa của dục vọng.
          Ở giữa phim, sau đoạn ở phòng hòa nhạc, có một cảnh đáng lưu ý: máy đi từ trong nhà ra ngoài lan can, nhìn xuống khu vườn. Với những bụi cây nhọn, bóng đổ và những thân người bất động, trên nền âm nhạc chói tai, khu vườn gợi cảm giác đầy gai góc. Điểm nhìn ấy là của ai? Căn cứ trên sự buông xuôi của Nàng trước đó, khi Nàng chấp thuận đi theo Chàng tới phòng hòa nhạc, có thể phỏng đoán đó là điểm nhìn của Nàng. Lúc này, Hiện tại chủ quan và Tưởng tượng đã giống hệt nhau. Khung cảnh trước mắt giống hệt với những gì Nàng tưởng tượng theo lời kể của Chàng. Vậy là dù vẫn còn cảm giác bất an, sợ hãi, Nàng đã bắt đầu chấp nhận ký ức ảo là thật. Trong buổi hòa nhạc, Nàng tưởng tượng cảnh hai người ôm nhau trong vườn, Chàng đặt tay lên ngực Nàng.
          Những lời thoại sau đó cho thấy Nàng không còn hoàn toàn phủ định ký ức ảo mà Chàng đang cố gắng cấy ghép vào mình nữa. Khi Chàng ôm Nàng bên bức tường cạnh hồ nước, tuy vẫn cố gắng chống cự, nhưng lời thoại của Nàng được nói ra với thái độ yếu ớt: “Anh là ai?Anh tên gì? Không quan trọng. Anh giống như bóng ma đợi chờ em. Hãy để em yên”.
          Một đoạn đáng chú ý khác: Tại Không – thời gian Tưởng tượng, trong tiếng V.O của Chàng kể về việc Chàng bước vào phòng Nàng, khép cánh cửa lại sau lưng, Nàng quay lưng lại và hét lên hoảng hốt. Liền sau đó là cảnh những người đàn ông bắn súng. Đó chính là tưởng tượng của Nàng về một sự xâm nhập và xâm hại. Không mô tả trực tiếp, nhưng đoạn phim này ám chỉ một hành động cưỡng bức tình dục. Ở đây, ta nhận thấy dù sợ hãi, Nàng vẫn tuân theo ám thị của Chàng và tiếp nhận hành động tấn công tình dục.
          Liền sau đó, sự sợ hãi tăng lên, trở lại với Không – thời gian Hiện tại chủ quan, Nàng hoảng hốt khẳng định “Không, tôi không biết anh, không biết cả những tấm rèm và chiếc gương”. Nhưng Nàng quy thuận ngay sau câu hỏi “Gương nào, rèm nào?”, và tự mình miêu tả vị trí những đồ vật ấy trong phòng.
          Tấm ảnh Chàng đưa ra cùng câu chuyện đầy chi tiết thuyết phục về khoảnh khắc nó được chụp đẩy nàng lún sâu hơn vào sự lệ thuộc cùng sợ hãi. Trong Không – thời gian Tưởng tượng, khi Nàng mặc bộ váy trắng và vật vã giữa những bức tường trong căn phòng của Nàng, qua điểm nhìn của Nàng, ta thấy khu vườn phía sau cửa sổ lạnh lẽo và đầy đe dọa. Đây là đoạn kịch tính nhất trong phim. Lần cuối, Nàng đã cố gắng chống cự lại ám thị khi không làm theo lời Chàng – hành động của Nàng trái với hướng dẫn của lời V.O, khiến Chàng phải van vỉ “Làm ơn, làm ơn nghe lời anh! Vì sao em đi ngược lại? Không! Cánh cửa ở gần kia mà! Không! Em rất hợp tác, em rất hợp tác!”
Tuy cố gắng kháng cự, Nàng vẫn để cho câu chuyện về người chồng ảo diễn ra trong Không – thời gian Tưởng tượng. Cảnh tưởng tượng người chồng ảo bắn chết Nàng thể hiện cảm giác cắn rứt tội lỗi khi Nàng đã đánh mất sự trong sạch, nhận lấy ký ức ảo, ngã vào vòng tay Chàng.
Mốc đánh dấu sự gục ngã của Nàng là khi Nàng tìm thấy tấm ảnh, đã được được nhân lên hàng trăm tấm trong ngăn kéo. Ám thị đã được nhân bản lên nhiều lần. Nàng đã chấp nhận để cho ký ức ảo nhân bản trong tưởng tượng của mình. Một loạt cảnh Nàng trong bộ đồ trắng tươi cười dang tay đón nhận máy quay – có thể hiểu là điểm nhìn của Chàng - được dựng nối tiếp nhau cho thấy Nàng đã tự giải phóng mình khỏi những cắn rứt, tội lỗi và sợ sệt, để thả mình vào mối quan hệ với Chàng. Trong trường đoạn cuối cùng, Nàng đã chấp thuận đi theo Chàng vào chuyên phiêu lưu vô định.
Bức ảnh được nhân bản (Cảnh trong phim)
Theo dõi tiến trình cưỡng lại và chấp nhận ký ức ảo của Nàng, ta thấy lý trí đã nhận phần thua. Lý trí giục Nàng cưỡng lại, và Nàng đã có vài lần cưỡng lại khá quyết liệt. Nhưng cuối cùng, dục vọng chiến thắng. Khi đã giành quyền quyết định, nó chấp thuận ký ức ảo là thật, để đưa Nàng vào cuộc phiêu lưu tình ái với Chàng.
          Vấn đề là, ký ức ảo không thể được thu nhận vào Nàng nếu như bên trong Nàng không sẵn có những chất liệu để tạo nên nó. Đó là những dục vọng thầm kín có sẵn của nàng. Nàng tiếp nhận và tin ký ức ảo rồi đi theo chàng cũng chỉ để thỏa mãn những dục vọng thầm kín của mình. Như nhà Phật vẫn nói: trong lòng không có ma thì ma không thể xâm nhập. Chàng không thể tạo ra khao khát và dục vọng cho Nàng, mà chỉ làm việc nắm lấy khao khát thầm kín của Nàng để khơi gợi nó ra.  
          5. Những ẩn dụ cho cuộc đấu tranh giữa lý trí và dục vọng
Tóm tắt thật ngắn gọn về “Last year at Marienbad”, đó chính là câu chuyện về sự đấu tranh giữa lý trí và dục vọng để chấp nhận hay từ chối một ký ức ảo được tạo nên từ ám thị.
          Cuộc đấu tranh ấy không chỉ diễn ra trong Không – thời gian Tưởng tượng, mà diễn ra trong cả ba Không – thời gian của phim. Nó không chỉ diễn ra giữa lý trí và dục vọng của Nàng, mà diễn ra giữa Chàng và Nàng. Thông qua mối quan hệ giữa ba nhân vật, ta có thể nhận thấy nhiều tầng ẩn dụ: Chàng chính là đại diện cho tiếng nói của dục vọng – vô thức, Người Phục vụ là đại diện cho tiếng noi của lý trí – Superego, Nàng là đại diện cho cái Tôi – Ego, thậm chí có thể liên hệ tới những triết lý về mối quan hệ giữa con người, cái Thiện và cái Ác trong tôn giáo.

Bài viết liên quan