Các hình thức chuyển thể từ văn học sang điện ảnh
Việc chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh đã xuất hiện từ lâu và đang là hiện tượng rất phổ biến trong đời sống văn hoá nghệ thuật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bởi thế, việc nghiên cứu về vấn đề chuyển thể các tác phẩm văn học sang điện ảnh cần có cái nhìn hệ thống, mạch lạc. Bài viết này xin đề cập đến một vấn đề cơ bản trong chuyển thế, đó là “Các hình thức chuyển thể từ văn học sang điện ảnh”.
Chuyển thể là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi hiện nay khi bàn về các tác phẩm điện ảnh được sáng tạo trên nền tác phẩm văn học. Theo Linda Hutcheon (2011), chuyển thể có nghĩa gốc là thích nghi, thay đổi, làm cho phù hợp. Trong văn cảnh này, chuyển thể được định nghĩa là sự phỏng theo, cải biến bối cảnh, nội dung hoặc hình thức tác phẩm để phù hợp với ý đồ sáng tạo của tác giả. “Chuyển thể liên quan tới tái diễn giải, tái sáng tạo”, “tái tạo cái thân thuộc làm cho nó mới”. Các tác phẩm chuyển thể “có mối quan hệ công khai và cụ thể với văn bản trước đó thường gọi là nguồn”. Cũng vì vậy, như một quán tính, nghiên cứu tác phẩm chuyển thể, người ta thường có sự so sánh với tác phẩm văn học.
Lịch sử điện ảnh thế giới đã tổng kết và đưa ra ba hình thức chuyển thể cơ bản nhất: chuyển thể trung thành với nguyên tác, chuyển thể không theo sát nguyên tác, và chuyển thể dung hòa hai hình thức trên.
1. Chuyển thể sát với văn bản gốc hay trung thành với nguyên tác: là hình thức làm phim dựa chủ yếu vào chất liệu văn học, hầu như rất ít thay đổi các vấn đề đã được đặt ra trong tác phẩm văn học. Sáng tạo của tác phẩm chuyển thể trung thành thường chỉ mang tính chất chi tiết, cục bộ, như thêm, bớt các tình tiết, thay đổi ít nhiều kết cục, hoặc thay đổi người kể chuyện.
Một ví dụ điển hình trên điện ảnh thế giới là phim “Sự im lặng của bầy cừu”. Được xây dựng từ tiểu thuyết cùng tên của Thomas Harris, phim đã giành 5 giải Oscar, và là một trong những phim chuyển thể thành công nhất trong lịch sử. Trung thành với tiểu thuyết, bộ phim đã tạo hình tượng điện ảnh khắc sâu trong tâm trí khán giả. Một sĩ quan Starling mỏng manh phải liên tục cố tỏ ra mạnh mẽ, cố gắng tột cùng để cứu vớt những nạn nhân vô tội rất có thể sẽ trở thành những cái xác vô hồn trong mắt những tên giết người hàng loạt vô cảm, bệnh hoạn và mắc những căn bệnh trở ngại tâm lý (tâm thần, hoang tưởng…). Và khi làm được điều đó cũng là một cách để xoa dịu nỗi ám ảnh thời ấu thơ của cô, “làm cho đàn cừu im lặng”.
Một ví dụ trong điện ảnh Việt Nam là phim “Vợ chồng A Phủ”. “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn hay nhất trong tập “Truyện Tây Bắc” được nhà văn Tô Hoài viết năm 1952. Cũng chính nhà văn Tô Hoài là người chuyển thể truyện ngắn sang kịch bản phim. Bộ phim đã tương đối trung thành với nguyên tác, giữ được những yếu tố chính của truyện. Nhân vật chính là A Phủ và Mỵ - một đôi nam nữ thanh niên nghèo bị thống lý Pá Tra, một chúa đất gian ác, cấu kết với Pháp, áp bức bóc lột đến cùng cực. Hắn bắt Mỵ về làm vợ lẽ cho con trai là A Sử, và bắt A Phủ đến ở không công suốt đời để trả nợ. Khi A Phủ bị trói vì tội đánh mất trâu, sắp chết đau, chết đói, chết rét, Mị cắt dây trói cứu thoát anh. Hai người trốn đến Phiềng Sa rồi nên vợ nên chồng. Sau này, nhờ có Đảng lãnh đạo, A Phủ và Mỵ đã vùng dậy, đấu tranh để tự giải phóng, cùng nhân dân xây dựng một cuộc đời ấm no, hạnh phúc.
2. Chuyển thể không theo sát nguyên bản văn học: là hình thức làm phim chỉ dựa trên một số ý tưởng, hoặc một vài gợi ý nhỏ của một hay nhiều tác phẩm văn học. Cách thức này dành sự tự do sáng tạo nhiều hơn cho chủ thể, chủ yếu hướng về sự phóng tác, sáng tác. Việc chuyển thể có thể là sáng tạo lại tác phẩm văn học (thay đổi đề tài, chủ đề, nhân vật, tình tiết cốt truyện): còn gọi là chuyển thể tự do, trong đó tác phẩm văn học chỉ đóng góp một phần hoặc chỉ là cái cớ, sự gợi ý nào đó để hình thành kịch bản điện ảnh. Nhà biên kịch cũng có thể xem tác phẩm văn học như một tư liệu hiện thực để khai thác, sáng tạo nên tác phẩm điện ảnh; hướng vào tác phẩm văn học để khiến tác phẩm điện ảnh trở thành sáng tạo độc lập hoàn chỉnh, mặc dù tác phẩm sau được khai thác từ tác phẩm có trước; hoặc đơn giản là làm phim dựa trên cảm hứng từ một cuốn sách. Do đó, người xem tác phẩm chuyển thể trung thành chủ yếu xem cái giống như; còn đối với tác phẩm chuyển thể tự do thì chủ yếu xem cái khác so với tác phẩm nguồn.
“Titanic”, một bộ phim lãng mạn - thảm họa - sử thi rất thành công, là một điển hình cho hình thức chuyển thể này. Phim lấy cảm hứng từ thảm họa đắm tàu có thật xảy ra năm 1912. Thảm họa đã được phục dựng đầy ấn tượng. Trên nền những sự kiện, sự việc và thông tin có thật, nhà biên kịch - đạo diễn James Cameron đã hư cấu hệ thống nhân vật gồm Jack Dawson, Rose Dewitt Bukater, Caledon Nathan, bà mẹ của Rose, người kể chuyện là Rose Dawson Calvert. Từ đó, phim tạo nên một câu chuyện tình đẹp, lãng mạn vượt trên thảm họa; hành động hy sinh cao cả của Jack sẽ khiến khán giả nhớ mãi không quên.
Điện ảnh Việt Nam có một trường hợp điển hình cho là phim “Làng Vũ Đai ngày ấy”. Lấy cảm hứng trên ba tác phẩm của Nam Cao gồm “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Sống mòn”, phim đã có những sáng tạo lớn. Nhân vật chính được giao cho giáo Thứ - một trí thức nông thôn - đóng vai trò như một chứng nhân lịch sử của chính ngôi làng đã sinh đẻ ra mình để thấy hết những bi kịch xóm làng, gia đình diễn ra hàng ngày, cảm nhận đến tận cùng những nỗi đau giữa trần thế, những bi kịch cá nhân như Lão Hạc, sống trong quằn quại, cô độc và tuyệt vọng, sớm chiều chỉ có con Vàng làm bạn, chết dần chết mòn trong túp lều tranh; để thấy một Thị Nở và Chí Phèo với mối tình ngang trái; một giáo Thứ sống mòn sau lũy tre làng; và để thấy một Bá Kiến giàu có, lộng hành nham hiểm và độc ác ức hiếp dân lành. Và chính cái xã hội ấy đã dồn nén, đùn đẩy con người đến tận cùng để nảy nòi ra một Chí Phèo lưu manh mang trong người tất cả những bệnh hoạn xấu xa nhất của xã hội phong kiến thối nát ở nông thôn Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX.
3. Hình thức chuyển thể dung hòa giữa hai cách trên: là cách thức làm phim vừa trung thành, vừa sáng tạo trên cơ sở nguyên tác; dựa trên cảm hứng từ một cuốn sách; ngoài ra là hình thức cải biên. Cách thức chuyển thể này không tạo bản sao giống hệt tác phẩm gốc, bởi dù trung thành với nguyên tác đến đâu, chuyển thể vẫn là công việc luôn kéo theo hành động làm biến đổi và luôn mang đầy tính chủ quan. Vấn đề ở đây không chỉ và không chủ yếu là tác phẩm chuyển thể trung thành đến mức nào, mà còn và chủ yếu là trung thành như thế nào, tức quan trọng là mục đích và nghệ thuật, hiệu quả chuyển thể.
Phim “Bệnh nhân người Anh”, một phim chiến tranh lãng mạn, là một ví dụ cho cách thức dung hòa. Tiểu thuyết “Bệnh nhân người Anh” của Michael Ondatjee đã đã đoạt nhiều giải thưởng và được dịch ra hơn 300 ngôn ngữ khác nhau, nhưng bộ phim cùng tên của đạo diễn Anthony Minghella được đánh giá là bản chuyển thể tốt nhất. Bộ phim giành được 9 giải Oscar, 2 giải Quả cầu vàng và 6 giải BAFTA cho phim hay nhất năm 1997. Trung thành với hệ thống nhân vật, chủ đề và các sự kiện chính của tác phẩm văn học, phim vẫn có những sáng tạo riêng. Đặc biệt là, bằng cách kể chuyện thông qua hồi ức của nhân vật, câu chuyện từng bước được bóc dần ra và hé lộ đã tạo sự cuốn hút rất lớn đối với khán giả.
Điện ảnh Việt Nam có trường hợp phim “Tướng về hưu” thể hiện rất rõ hình thức chuyển thể dung hòa. Phim giữ nguyên chủ đề tư tưởng, chất liệu và hệ thống nhân vật của tác phẩm văn học, nhưng cũng có nhiều sáng tạo mới đắt giá. Ví dụ như tiếng chó sủa vang lên ở đầu phim và cuối phim như báo hiệu cho sự lạc lõng của ông tướng về hưu, hoặc một số lời thoại đắt giá như lời tuyên ngôn của nhân vật Thủy về quyền lực của đồng tiền, lời nhân vật Lài nói với ông tướng về hưu: “Cuộc sống không như ông tưởng đâu!”
Theo nhà nghiên cứu Linda Hutcheon, tác giả chuyên khảo “Lý thuyết chuyển thể”, số liệu thống kê năm 1992 cho thấy, 85% số tác phẩm đoạt giải Oscar cho phim hay nhất là các tác phẩm chuyển thể. Có thể nói, hầu hết tác phẩm văn chương ưu tú của các dân tộc ở mọi thời đại khác nhau đều đã được chuyển thể sang điện ảnh. Việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh đang ngày càng phổ biến và chứng minh vai trò của nó. Tác phẩm điện ảnh được chuyển thể đã tạo ra giá trị mới, làm cho tác phẩm văn học được sống đời sống mới, tiếp tục cống hiến cho kho tàng văn hóa, nghệ thuật của nhân loại.
Tác giả: Nguyễn Huy Hùng