Bài viết mới nhất

Chị Trần Ngà

 
PHẠM MINH thân tặng

Ngày thứ 2 Đại hội Điện ảnh trời quá nóng, khiến tôi ghen tỵ với Đại hội Hội Nhà văn, bởi bữa ấy trời đột nhiên trở lạnh. Hết giờ họp buổi trưa mọi người ra khỏi hội trường mát mẻ, bỗng như có ai vốc lửa ném vào mặt mình... Ô tô, taxi, xe gắn máy ào ào như châu chấu. Người ở gần thì về nhà, về khách sạn hoặc rủ nhau đi nhậu. Tôi đội nắng chang chang nghe mấy cô em alô chỉ thị, bỗng nhìn thấy chị Trần Ngà, người biên tập âm nhạc kỳ cựu nhất của Xưởng phim Quân đội chống gậy tập tễnh bước ra đường. Vậy là hoãn cuộc vui đàn đúm, dìu chị sang phía bên kia phố Trần Hưng Đạo, nơi có vài quán ăn bình dân vỉa hè chen chúc và ngột ngạt. Chị đeo cái cặp đại hội tặng, chống cây gậy nhôm, hai chị em dò từng bước qua đường giữa dòng xe chen nhau trong nắng khét!
 
NSƯT Trần Ngà ngày trẻ

Nay chị đã ngoài 70, dáng người gầy nhỏ và còn giữ được những nét duyên dáng của một thời xuân sắc. Trước khi về Xưởng phim Quân đội, chị là diễn viên xinh đẹp hàng đầu của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Chị có giọng nói truyền cảm, dịu dàng, lại duyên dáng nữa nên cứ mỗi khi màn nhung đỏ mở, là chị xuất hiện đầu tiên, cúi chào để nhận tiếng vỗ tay ràn rạt. Chị luôn đảm nhiệm vai trò của người giới thiệu (bây giờ gọi là MC hay người dẫn chương trình )... Tôi biết thuở xưa có nhiều người mê say chị lắm, bằng cớ là có những cuốn ký sự, tiểu thuyết lấy hình ảnh chị làm nhân vật trung tâm, ký thác vào đó tình yêu, nỗi nhớ!
Tôi biết chị từ trước khi về Xưởng phim Quân đội. Ngày ấy tôi còn là cậu lính trẻ măng tập tành đi làm báo. Năm 1969 ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, được cử đi viết phóng sự về Đoàn làm phim tài liệu "Chúng con nhớ Bác" của Xưởng phim Quân đội. Một đoàn xe PAP lội nước mấy chục chiếc của bộ đội Công binh được lệnh cắm cờ tang lễ rầm rộ tiến lên vùng hồ Suối Hai và sau đó vượt Sông Đà chở bộ đội qua sông, ngụ ý biến đau thương thành sức mạnh. Bộ phim ấy do anh Nguyễn Văn Thông làm đạo diễn, tôi không nhớ hết những người trong đoàn làm phim, có lẽ bởi quá ấn tượng với hình ảnh "chị thu thanh "... - sao lại có người đẹp và nói năng dịu dàng thế chứ! Trời chạng vạng tối, cả đoàn nấu cơm ăn ngay bên bờ Sông Đà, tôi cứ trân trân ngắm chị nhặt rau, dùng đũa cả tỉ mỉ gạt gọn những hạt gạo quanh miệng nồi cơm đang sôi. Chị hỏi tôi "Đồng chí trẻ thế mà đã đi viết báo à?"...
Bây giờ ngồi đây, nhìn chị chậm chạp ăn bát bánh đa cua với cây gậy nhôm tựa bên bàn mà lòng tôi đầy thương cảm. Sao thời gian cứ bắt những người phụ nữ xinh đẹp già đi thế nhỉ? Hai chị em ngồi ăn trong nắng nóng và nhắc tới sự ra đi của nhạc sĩ An Thuyên. Chị nhắc tôi mới nhớ, đã có lần nhạc sĩ An Thuyên đang công tác tại Phòng Văn hoá văn nghệ- TCCT muốn xin sang làm biên tập âm nhạc ở Xưởng phim Quân đội, bấy giờ tôi và chị Trần Ngà được phân công đi "mục sở thị" gia cảnh người nhạc sĩ mới chuyển ra từ Quân khu 4. Thế là hai chị em đạp xe lên Khu văn công Mai Dịch.
Hai chị em đến thăm nhà nhạc sĩ An Thuyên, bấy giờ được bố trí ở tạm trong gian phòng chừng 18 m2, ngổn ngang đồ đạc, các cây đàn, bó giấy và sách vở. An Thuyên lúc ấy còn rất trẻ, khuôn mặt chữ điền và mái tóc thật dày. Anh rít thuốc lá liên tục, nói với chị Ngà: "Em thích sang Xưởng phim cho có không khí sáng tác, ở bên này chủ yếu làm công tác phong trào!"... Chúng tôi về báo cáo lại với vị giám đốc có mái tóc bạc khả kính của Xưởng phim Quân đội, ông gãi đầu tỏ ý ngần ngại "Cái khó là cậu ấy chưa có nhà ở, mà đơn vị mình thì không có khả năng lo...". Cũng "may" mà dạo ấy An Thuyên không về  xưởng phim, vì vậy ít năm sau người nhạc sĩ tài hoa ấy đã trở thành hiệu trưởng trường Đại học Văn hoá quân đội, mang quân hàm thiếu tướng!...
 
NSƯT Trần Ngà trong phim "Ký ức những người truyền lửa"

Kể lại chuyện này tôi muốn nói tới cái tâm của chị Trần Ngà - người luôn lo lắng xin bổ sung nguồn nhân lực biên tập nhạc bởi chị không muốn độc quyền, và trăn trở về những người kế tiếp. Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, trong đó vai trò của âm nhạc vô cùng quan trọng. Tôi vẫn nói vui với anh em làm phim tài liệu: Khi đã cạn lời bình, khi tiếng động vô nghĩa, chỉ còn âm nhạc nói được mà thôi! Tiền mời nhạc sĩ sáng tác cho phim quá ít ỏi, vì vậy âm nhạc phải "chôm" là chủ yếu! Trong rất nhiều bộ phim tài liệu 35mm còn lưu trữ , cuối cùng thường có dòng chữ "Chọn nhạc: Trần Ngà"...
Sau này chúng tôi đề nghị đổi là Biên tập nhạc cho đúng nghĩa. Thời ấy làm công tác biên tập âm nhạc ở Xưởng phim Quân đội còn có nhạc sĩ Hoàng Bội (từng công tác ở đoàn Văn công Tây Bắc), nhưng ông cao tuổi nghỉ hưu, vì vậy bao nhiêu phim tài liệu, phim khoa học, phim truyện sản xuất hầu như đều do chị Trần Ngà đảm nhiệm.  
Tôi cũng chả biết từ bao giờ có quy định cán bộ làm công tác Biên tập nhạc ở Xưởng phim Quân đội chỉ là Quân nhân chuyên nghiệp. Vì vậy có lần chị "chiêu mộ" được nhạc sĩ Nguyễn Hiếu về rồi anh lại ra đi... Tiếp đó chị giới thiệu nhạc sĩ Trịnh Ngọc Tân, anh về nhận công tác mà chúng tôi cứ ngay ngáy lo nguy cơ phải chuyển sang ngạch QNCN. Tôi khích lệ Trịnh Ngọc Tân viết kịch bản phim, anh trở thành tác giả kịch bản phim truyện, thế là qua "cửa ải".
Chị Trần Ngà là vậy, lặng lẽ làm, lặng lẽ quan hệ với các nhạc sĩ và Đài Tiếng nói Việt Nam để làm giầu thêm kho tư liệu âm nhạc cho Xưởng phim Quân đội, cũng may là thời ấy chưa ai nói tới Luật bản quyền. Hình ảnh chị đeo cái tai nghe to tổ chảng trên đầu với đống "băng cối" ngổn ngang nếu sơ suất là tụt ra rối hơn canh hẹ, mỗi ngày kiên nhẫn lần tìm in đậm trong trí nhớ chúng tôi... Đôi lúc tôi tự hỏi vì sao chị mẫn cán và kiên nhẫn đến thế? Vì sao có những buổi hoà âm với thiết bị làm phim nhựa cũ kỹ lạc hậu luôn lệch hình lệch tiếng, hò hét, tranh luận như mổ bò mà chị vẫn hết sức dịu dàng? Nếu ai từng nhìn chị và anh chị em xưởng Âm thanh kiên nhẫn cọ phim từ tính để cắt ghép lời đồng bộ, lời bình, âm nhạc hay tiếng động như trò ma thuật (điều mà bây giờ làm dễ dàng trên thiết bị tân tiến) mới hiểu làm phim nhựa thời ấy cực như nào. Thời Việt Nam chưa có Truyền hình, xưởng phim Thời sự tài liệu Trung ương và Xưởng phim Quân đội còn phải sản xuất phim Thời sự bằng phim nhựa 35mm vô cùng bận rộn, song cũng vì thế mà lưu lại cho lịch sử những hình ảnh vô cùng quý giá...  
 
NSƯT Trần Ngà đón nhận danh hiệu 60 năm tuổi Đảng vào dịp 19/5/2023 vừa qua

Mặc dù quân số biên chế thuộc phòng Biên tập, nhưng là biên tập âm nhạc nên hàng ngày chị làm việc ở xưởng Âm thanh cách chúng tôi hẳn một con đường. Sự xa cách ấy là do đường tầu chạy trên cao phía phố Phùng Hưng, nếu thiết kế phòng thu tiếng, hoà âm ở khu nhà 17 Lý Nam Đế thì khi tầu hoả chạy rung ầm ầm có mà phá sản! Đã thế ngày ấy Đường sắt Việt Nam dùng toàn đầu máy hơi nước cổ lỗ, yếu xều, mỗi bận trời mưa bị trơn trượt trên ray sắt cứ kéo còi và giật đùng đùng lấy đà mãi mới bò được vào ga đầu cầu Long Biên, nên xưởng Âm thanh chịu xa cách cho lành!
Phòng Biên tập được ví như cơ quan Tham mưu của Xưởng phim Quân đội, đa phần là dân viết lách, thạo chèo chống và giỏi tiếu lâm nhưng hình như chung cái "sự lười": Bàn ghế, giấy tờ bề bộn, chỗ nào cũng sẵn tàn thuốc lá. Cái ấm pha trà lười thải bã, cho thêm chè mới mãi đầy phè (ai đã từng công tác ở đây đừng chê tôi vạch áo cho người xem lưng nhé, bởi khi làm Trưởng phòng tôi vẫn giữ được truyền thống ấy !!!).
Tuy nhiên dù khiêm tốn vẫn phải nói rằng ai được xếp vào hàng Biên tập đa phần là "Cứng cựa". Cánh Biên tập đẻ ra kế hoạch đề tài sản xuất phim, định hướng làm phim, nhưng cũng giống như người viết kịch bản khi phim đoạt giải vàng giải bạc họ chả được vinh danh gì đâu, cũng chả thuộc diện xét tặng danh hiệu này nọ... nhưng thôi, chả lạm bàn vớ vẩn, bởi tôi đang kể về chị Trần Ngà!
Mỗi bận giao ban, họp hành hay bất chợt trở về phòng Biên tập là chị như lao công tạp vụ dọn dẹp, quét nhà, rửa ấm chén cho mấy cậu em lười. Chị làm mà vẫn cười tươi, chả chê trách gì lớp đàn em, cứ như là người chị cả làm bổn phận của mình. Trong cơ quan, nhà ai có việc cưới xin, hiếu hỷ, con cháu ốm đau chị cũng là người khởi xướng việc thăm nom dẫu suốt đời cơ động bằng chiếc xe đạp cà tàng. Hầu như chị sinh ra để nghĩ tới mọi người, lúc nào cũng dịu dàng nhỏ nhẹ, sợ làm ai đó chợt buồn hay bị tổn thương. Tôi biết nhiều đấng nam nhi cùng trang lứa say mê chị lắm, bởi luôn khen chị giầu nữ tính... nhưng chị vẫn ở một mình chăm sóc cậu con trai. Em trai chị - nhà văn Trần Hoài Dương (đã mất) tính tình cũng rất nhỏ nhẹ, khiêm nhường khiến tôi nghĩ hai cụ thân sinh đã dạy dỗ các con bằng tình thương yêu đặc biệt mới truyền lại phong cách và tình cảm ấy. Đó là cái gốc tử tế của người Hà Nội!...
Mấy năm sau Phòng Biên tập của chúng tôi được bổ sung thêm một nhân viên mới, đó là chị Nguyễn Thị Hạnh (trước đó công tác ở Đài Phát thanh tỉnh Nghệ An). Chị Hạnh được phân công làm Thư ký Phòng biên tập kiêm trông nom Thư viện, tính cách cũng rất đoan trang, nhỏ nhẹ và lịch thiệp. Thế là hai chị có đồng minh, và chúng tôi có cơ hội lười thêm bởi được chiều, đến mức lương cũng có người lĩnh hộ.
Viết đến những dòng này tôi thật bồi hồi nhớ đến các bậc đàn anh kính mến, cứ mỗi sáng bên ấm trà điếu thuốc là bao chuyện vui, bao điều hài hước và những câu chuyện uyên thâm. Nhiều người nay không còn nữa như nhà văn Hoàng Văn Bổn, Lê Văn Ngữ, Phạm Lệnh, Phan Quang Định... Các anh Nguyễn Gia Định, Phan Phước Mẫn giờ đã già yếu lắm rồi. Thế hệ chúng tôi - một thời được coi là lớp trẻ nay cũng vào kỳ "hiu hắt" như Nguyễn Thành Lập, Lê Văn Vọng, Đào Thắng, Trịnh Ngọc Tân...
 
Tại Phòng Truyền thống Điện ảnh QĐND nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của NSƯT Trần Ngà và đồng đội

 Nhớ trong bữa ăn trưa hôm Đại hội Điện ảnh ở vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, tôi thật mừng khi chị đã ổn định huyết áp sau một lần tai biến nhẹ, thì lại phát hoảng khi chị kể hôm nọ đi xe buýt chưa kịp đặt hai chân xuống đất thì nó đã chạy khiến chị ngã vật ra đường, vào viện, rồi bây giờ chống gậy... Cô bán hàng nói tiếp "Chúng nó ác lắm bà ạ, chả coi người già ra gì!"
Vâng, ai rồi cũng phải già đi, nhưng tôi cứ mong những người như chị còn trẻ mãi. Sự nhân hậu, tử tế, dịu dàng có vẻ như đang hiếm dần đi khi đời sống khấm khá hơn lên. Vì sao vậy nhỉ? Xưa ta đạp xe trời nắng chang chang, thấy người đi bộ ta mời lên cho đỡ khổ một quãng đường... Nay tôi dìu bà chị chống gậy qua đường chẳng ai chịu nhường, lượn vỗ mặt và bóp còi inh ỏi. Có thể coi là xã hội đang tiến lên chăng?

 

Bài viết liên quan