Điện ảnh Quân đội nhân dân gặt hái được nhiều giải thưởng cao quý trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIIII

Tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam, Giải thưởng Hội điện ảnh Việt Nam, Giải Báo chí Quốc gia,… tên tuổi Điện ảnh Quân đội nhân dân ngày càng được khẳng định thông qua các giải thưởng cao quý đã đạt được. Các tác phẩm phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học quân sự đem đến góc nhìn đa chiều, chân thực về người lính, qua nhiều đề tài phong phú. Trong LHP Việt Nam XXII, Điện ảnh Quân đội đã đạt nhiều Giải thưởng cao quý, tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những hãng phim hàng đầu của Điện ảnh Việt Nam, với những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao. Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân đã dành thời gian chia sẻ về những Giải thưởng cao quý mà đơn vị vừa nhận được trong LHP Việt Nam lần thứ 23 diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Thượng tá Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân
 
PV: Xin đồng chí cho biết cảm xúc của mình khi Điện ảnh Quân đội nhân dân nhận được những giải thưởng danh giá trong LHP Việt Nam lần thứ XXIII?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân:
Có thể nói Liên hoan phim VN năm nay, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã gặt hái được nhiều thành công. Với những tác phẩm đạt giải thưởng cao tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23, Điện ảnh Quân đội tiếp tục khẳng định vai trò là một đơn vị làm phim uy tín về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, góp phần đưa hình ảnh người lính đến với đông đảo khán giả và nhân dân. Các tác phẩm sau hai năm lao động nghệ thuật miệt mài, vượt qua mọi khó khăn thử thách của các nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân đã được khán giả, đồng nghiệp ghi nhận. Thành tích này sẽ là động lực để những người nghệ sĩ, chiến sĩ bước tiếp trên chặng đường nghệ thuật sắp tới.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII, Điện ảnh Quân đội đã vinh dự đạt được một Bông sen Vàng, một bông Sen Bạc và 2 giải thưởng cá nhân.
 
PV: Thưa đồng chí, có thể nói trong mùa LHP Việt Nam lần thứ XXIII năm nay, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã gặt hái được thành công, trong đó là Giải Bông Sen Vàng dành cho phim Khoa học “Nghiên cứu về Ứng dụng công nghệ trong chữa cháy”. Xin đồng chí cho biết về tiêu chí của Điện ảnh Quân đội về định hướng đề tài, đội ngũ sản xuất với dòng phim khoa học?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân:
Phim khoa học mang tính đặc thù, cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc để mang đến những thông tin chính xác, kịp thời. Đó cũng chính là một trong những thế mạnh của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Chúng tôi đặt ra hai tiêu chí ưu tiên để lựa chọn đề tài phim làm phim khoa học: Thứ nhất, đề tài phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính ứng dụng cao, có thể phổ biến rộng rãi trong xã hội; thứ hai: Đề tài đáp ứng tính mới, tính cấp thiết, tính thời sự trong xã hội. Quy trình làm phim khoa học cũng được thực hiện chặt chẽ, với sự giám sát của Hội đồng Duyệt, đội ngũ cố vấn và các cơ quan chức năng của Điện ảnh Quân đội, nhằm đảm bảo tính chính xác và khoa học của mỗi bộ phim. Có thể nhận thấy những đặc trưng của Điện ảnh Quân đội về phim khoa học qua bộ phim “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy”. Phim có tính ứng dụng và tính thời sự rất cao – nhất là trong thời điểm các vụ cháy nổ ngoài xã hội đang xảy ra ngày một nhiều, gây nhiều mất mát, đau thương, tổn hại về người và vật chất cho nhân dân, là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. 
Với thể loại phim khoa học, ngoài yếu tố dễ xem, dễ thấy, dễ hiểu cũng cần để người xem cảm nhận được sự trau chuốt, tỉ mỉ, cẩn trọng của người lính trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chúng tôi tự hào vì Điện ảnh Quân đội nhân dân có đầy đủ đội ngũ cán bộ từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, âm thanh, dựng phim… đã gắn bó, hợp tác với nhau thuần thục qua nhiều tác phẩm, cộng thêm có sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, được đầu tư công phu, bài bản, tất cả đã góp phần tạo nên những bộ phim khoa học chất lượng khi ra mắt công chúng.
Hằng năm, Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ đều đặn sản xuất 1-2 phim khoa học, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các thành tựu nghiên cứu của người lính trên mặt trận khoa học kỹ thuật.
Phim khoa học “Nghiên cứu về Ứng dụng trong chữa cháy” vinh dự nhận được Giải thưởng Bông sen Vàng.
 
PV: Phim tài liệu “Bầu trời của Hòa bình” của Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng vừa vinh dự nhận được giải thưởng Bông sen Bạc của LHP Việt Nam XXIII năm nay. Xin đồng chí cho biết bộ phim Tài liệu này có những điểm gì đặc sắc về nội dung và nghệ thuật?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân:
Bầu trời của Hoà bình” tập trung thể hiện những chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với các tù binh phi công Mỹ trong năm 1972- 1973; thể hiện cảm xúc của các tù binh phi công Mỹ khi họ ở tại trại giam Hà Nội và sau khi được trở về với gia đình. Về phía Việt Nam, nhiều phi công không may mắn được như vậy. Các anh đã giành cả thanh xuân, tuổi trẻ, sự sống để giữ hòa bình cho bầu trời Tổ quốc. Nhiều năm sau khi chiến tranh lùi xa, các phi công Mỹ quay lại Việt Nam với mong muốn hóa giải những day dứt và ám ảnh chiến tranh. Họ được các phi công Việt Nam đón nhận với tình cảm chân thành và bao dung… Trong phim, hình ảnh Hà Nội - thành phố vì hòa bình - tươi đẹp và rạng rỡ ngày hôm nay cũng được khắc họa. Trên hết, phim ca ngợi khát vọng hòa bình và trái tim bao dung của người Việt Nam.
Với góc nhìn của những người sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, bộ phim cũng cho thấy một Hà Nội - Việt Nam đầy quả cảm, bao dung, đã vượt lên những đổ nát, hi sinh, đau thương để xây dựng lại cuộc sống; đã cao thượng khi đối xử với những kẻ thù - tù nhân phi công; và sau đó sẵn sàng hóa giải hận thù, hướng tới tương lai. Thông qua bộ phim, những hình ảnh chân thực, sống động về sự kiện lịch sử chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được tái hiện. Lịch sử đó cần phải được trao truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay để thêm hiểu và quý trọng giá trị hòa bình.
“Bầu trời của Hoà bình” nhận giải thưởng Bông sen Bạc hạng mục Phim Tài liệu.
 
PV: Đồng chí có thể cho biết về những thuận lợi và khó khăn trong việc xây dựng các tác phẩm điện ảnh có giá trị về người lính trong giai đoạn hiện nay?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân:
Việc đầu tư xây dựng các tác phẩm điện ảnh có giá trị nội dung và nghệ thuật cao về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, hình tượng bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đối với Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng có những thuận lợi và đồng thời cũng có những khó khăn.
Các nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân tác nghiệp trong phim về khoa học quân sự.
 
Thuận lợi là mảng đề tài về người lính, về chiến tranh cách mạng là mảng đề tài máu thịt đối với người lính chúng tôi. Bản thân là nghệ sĩ nhưng đồng thời cũng là người lính, những nghệ sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân có những hiểu biết sâu sắc về đời sống quân ngũ, về người lính. Hay nói cách khác, đó là mảng đề tài gần gũi đối với những nhà làm phim mặc áo lính chúng tôi. Bên cạnh đó, Điện ảnh Quân đội nhân dân luôn nhận được sự quan tâm, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong Quân đội.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rõ những khó khăn đặt ra phía trước. Một là, sự vận động và chuyển mình mạnh mẽ của nền điện ảnh Việt Nam để thích ứng với những thay đổi không ngừng của điện ảnh thế giới đòi hỏi chúng tôi có nhiều nỗ lực để thích nghi. Hai là, nền công nghiệp điện ảnh phát triển với tốc độ cao, thường xuyên nhiều đổi mới về quy trình, công nghệ, thiết bị làm điện ảnh. Ba là, nhu cầu và trình độ thưởng thức của khán giả ngày nay phát triển cao, đa dạng; khi công chúng có điều kiện tiếp xúc với các nền điện ảnh nổi tiếng, cập nhật những sản phẩm điện ảnh mới nhất toàn cầu. Một sản phẩm điện ảnh muốn thuyết phục khán giả phải có chất lượng cao cả về chiều sâu nội dung và sáng tạo thẩm mỹ trong thể hiện.
Chính vì vậy, những người làm điện ảnh như chúng tôi sẽ luôn phải tự làm mới mình. Điện ảnh là một ngành nghệ thuật được sinh ra và phát triển cùng các bước tiến của công nghệ. Không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghiệp điện ảnh toàn cầu, trong thời gian tới nhằm đáp ứng xu thế làm phim mới, Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục chú trọng bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho cán bộ kỹ thuật bằng nhiều hình thức, đối với mọi chuyên môn như kịch bản, đạo diễn, quay phim, kỹ thật, chỉnh mầu, kỹ xảo, âm thanh…. Phấn đấu để những bộ phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất luôn sẽ đem đến cho khán giả hiện thực lịch sử sinh động, hình tượng sinh động về người lính, xây dựng tình cảm đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước và khát vọng xây dựng đất nước.
PV: Thưa đồng chí chia sẻ thêm về những định hướng tương lai sắp tới của Điện ảnh Quân đội nhân dân?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân:
Thời gian sắp tới, chúng tôi tiếp tục khai thác các đề tài chiến tranh cách mạng đặc biệt là hình ảnh người lính hôm nay. Đồng thời xây dựng các kịch bản chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất năm 2024 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, dự án phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ” của Điện ảnh Quân đội nhân dân được Bộ Quốc Phòng quan tâm đầu tư hướng đến Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang lại những cảm xúc đặc biệt cho khán giả cả nước. Trước những yêu cầu đổi mới cấp thiết của nghệ thuật điện ảnh trong thời đại mới, các nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng những chiến lược, phương thức để tác phẩm của mình đến gần hơn với khán giả, tìm tòi những đề tài tiếp cận khán giả trẻ. Và khi những người lính nói riêng và khán giả nói chung tìm đến với những tác phẩm của các nghệ sĩ điện ảnh Quân đội hôm nay, cùng khám phá, sẻ chia và đồng cảm, thì điều đó cũng góp phần khẳng định sự phát triển của đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh quân đội, đã phát huy và tô đẹp thêm những giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần mà các thế hệ nghệ sĩ đi trước từng dày công vun đắp.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!
 

Bài viết liên quan