BỐN TẠI CHỖ TRONG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI ĐƯỢC HÌNH THÀNH THEO PHƯƠNG CHÂM LẤY DÂN LÀM GỐC


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Bất cứ làm việc gì cũng phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, sức mạnh là ở trong dân”. Vì vậy, kinh nghiệm trong hoạt động ứng phó thảm họa thiên tai, bão lũ ở Việt Nam là luôn dựa vào sức dân để hạn chế và khắc phục những hậu quả xảy ra. Thuật ngữ “bốn tại chỗ” vẫn thường được nhắc đến trong công tác phòng chống thiên tai thực chất là những bài học kinh nghiệm quý giá, cách làm hay được đúc rút và áp dụng. Vậy phương châm “Bốn tại chỗ” được tiến hành theo những bước nào? Bộ phim Khoa học “BỐN TẠI CHỖ TRONG PHÒNG CHỐNG BÃO LŨ” đã diễn giải một cách sinh động các bước làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai những năm qua.
 
Cảnh trong phim "Bốn tại chỗ trong phòng chống bão lũ"

Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là trách nhiệm của toàn dân. Vì vậy, khi có thiên tai, thảm họa xảy ra, nếu áp dụng phương châm “Bốn tại chỗ” kịp thời sẽ giảm thiểu thiệt hại. Tuy vậy, trong công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương thì phương châm “Bốn tại chỗ” phát huy hữu ích nhất ở giai đoạn trước và trong thiên tai.
Cảnh trong phim "Bốn tại chỗ trong phòng chống bão lũ"

Chỉ huy tại chỗ: Khi có tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn quản lý, chính quyền sở tại phải thành lập ngay Ban chỉ huy các cấp. Thông thường tham gia bộ máy chỉ huy là lãnh đạo cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội tại địa phương. Lực lượng vũ trang và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn là lực lượng nòng cốt. Trong đó người chỉ huy cao nhất là người đứng đầu cấp chính quyền, đoàn thể hoặc được cộng đồng giao nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Mục đích của việc xác định bộ máy chỉ huy và người chỉ huy tại chỗ là để đảm bảo các hoạt động diễn ra kịp thời, có kế hoạch và biện pháp ứng phó, tổ chức hiệp đồng, bảo đảm chặt chẽ cho công tác cứu hộ, cứu nạn, không để rối loạn tại hiện trường.
Những vấn đề từ thực tiễn hiện trường thảm họa rất đa dạng, không theo một quy luật hoặc khuôn mẫu có trước, đòi hỏi sự quyết đoán của người chỉ huy các địa phương, đơn vị vận dụng và sáng tạo ra những cách làm mới.
Sử dụng lực lượng tại chỗ: Trong công tác phòng chống thiên tai thì lực lượng tại chỗ là những lao động chính, những người có sức khoẻ, nhanh nhẹn để có thể ứng phó trong thiên tai, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng cho các thành viên trong gia đình và sẵn sàng hỗ trợ chính quyền địa phương khi cần huy động.
Khi thiên tai ập đến, việc tự cứu mình, tự cứu lấy nhau, đem sức lực của dân tự cứu lấy dân là kịp thời nhất, hiệu quả nhất. Phương châm sử dụng lực lượng tại chỗ xuất phát từ thực tế này. Bởi lúc đó “nước xa không cứu được lửa gần”, trong lúc lực lượng của Chính phủ, quân đội không thể có mặt tức thời để giúp. Vì vậy để tránh tổn thất do thiên tai bão lũ gây ra, các địa phương cần phải xây dựng cho mình lực lượng chủ động tại chỗ đủ mạnh để xử lí các tình huống.

Chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, lực lượng chi viện, hỗ trợ từ cấp trên và tập hợp lực lượng tại chỗ để thực hiện việc ứng phó khẩn cấp như chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, tham gia di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, tham gia việc tìm kiếm, cứu nạn, tham gia cứu hộ các công trình phòng, chống lụt bão bị sự cố …
Đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, chăm sóc sức khỏe cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, tham gia khắc phục hậu quả như làm vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và nơi tạm cư, tham gia giúp đỡ các gia đình bị nạn.
Phương tiện, vật tư tại chỗ: Sử dụng phương tiện, vật tư tại chỗ thực chất là tận dụng các phương tiện, đồ trang bị cá nhân để tiến hành cứu hộ và tự di dời nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Bởi đôi khi phương tiện hiện đại, nhưng sử dụng không kịp thời, không đúng lúc và không đúng hoàn cảnh cũng không có hiệu quả. Chính quyền địa phương hay Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) địa phương còn cần tổ chức vận động trong nhân dân thực hiện phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm (tự nhân dân bỏ kinh phí, mua vật tư neo chằng chống nhà cửa, đóng góp vật tư cọc tràm, bao đất) để tu sửa đê bao, bố trí nhà làm điểm giữ trẻ mùa lũ, bố trí phương tiện như ghe, thuyền đưa rước học sinh, di dời người dân v.v..
 
Cảnh trong phim "Bốn tại chỗ trong phòng chống bão lũ"

Hậu cần tại chỗ: Là yêu cầu đòi hỏi địa phương phải chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu đói khi có tình huống thiên tai xảy ra. Nguyên tắc chung là bảo đảm an toàn cho người bị thương hay nhóm người dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ có thai và trẻ em trước khi đưa lên tuyến trên và đảm bảo lương thực cho nhân dân trong lúc khẩn cấp trước khi có sự cứu trợ từ bên ngoài.


Bên cạnh đó từng hộ gia đình phải chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước sạch, chất đốt đảm bảo đủ dùng cho gia đình mình càng dài càng tốt hoặc ít nhất cũng phải đảm bảo trong khoảng thời gian thiên tai xảy ra mà chưa có sự cứu trợ. Đây là vấn đề tưởng như nhỏ nhưng hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại về con người.
 
Cảnh trong phim "Bốn tại chỗ trong phòng chống bão lũ"
Thực tế chứng minh, nhiều năm qua, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai của nước ta đã được thực hiện rất tốt, bài bản và hiệu quả. Khi có thiên tai xảy ra, nếu nơi nào chủ động chuẩn bị và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” thì nơi ấy sẽ ít tổn thất, thiệt hại. Hay nói theo cách khác, nếu biết khơi nguồn sức mạnh trong dân, biết dựa vào dân để giải quyết thì việc gì cũng xong. Như Bác Hồ kính yêu đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Nguyễn Thực

Bài viết liên quan