Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ nhớ phim “Ngày về”

     “Ngày về” là bộ phim tài liệu dài gần 30 phút do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ. Tác phẩm này đề cập đến hậu quả chiến tranh, cụ thể là di chứng của cuộc chiến còn hằn sâu trên thân thể và tinh thần của những người lính từ chiến trường trở về.
 
     Được Ban Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân tin tưởng, giao nhiệm vụ thực hiện bộ phim tài liệu “Ngày về” từ năm 2016, biên kịch Nguyễn Đức Thực, đạo diễn Phạm Thanh Hùng cùng ê-kip làm phim đã chủ động lên đường đi thực tế tới các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh trên cả nước.
     Bộ phim lấy 2 bối cảnh chính là Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh Thuận Thành, Bắc Ninh và Trung tâm thương bệnh binh Nho Quan, Ninh Bình. Ở đây, các nhà làm phim đã đi sâu vào khai thác những hình ảnh, câu chuyện chân thực về cuộc sống và tình cảm của các thương, bệnh binh cùng với những người thân của họ. Không dùng quá nhiều lời bình, bằng những hình ảnh đắt giá, cùng với tiếng động nền trực tiếp tại hiện trường và những phỏng vấn đầy xúc động được dựng trên một tiết tấu chậm, sâu lắng các nhà làm phim đã thực sự chạm được tới trái tim khán giả.
     Các thương, bệnh binh ở Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh Nho Quan, Ninh Bình 100% là các chiến sĩ chấn thương sọ não, vết thương liên quan đến thần kinh là di chứng của những tổn thương do bom, đạn mang lại. Có người từng bị mảnh bom ghim vào hộp sọ. Phần lớn các thương, bệnh binh không nhớ mình là ai, không nhớ quê hương, người thân, càng không nhận biết được niềm hạnh phúc mà họ đã hi sinh để giành được cho thế hệ hôm nay. Có những người sống như thân xác vô tri, nói cười, la hét như đứa trẻ, lại có những người chỉ ngồi lặng lẽ trước hiên nhà như chờ đợi điều gì… Dù bên ngoài vẫn mang dáng vẻ bình thường, nhưng họ đều là thương binh nặng, tỉ lệ mất sức cao, được xem như “liệt sĩ sống”, vì dù còn sống nhưng cuộc sống thật sự của họ đã mất trong chiến tranh. Ở những bệnh nhân thể tâm thần phân liệt mãn tính, ám ảnh chiến tranh thỉnh thoảng lại gây nên những cơn kích động. Cứ như thế, nỗi đau hữu hình và vô hình cứ dai dẳng qua từng ngày.
     Đối với những thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Do bị những vết thương cột sống, nên hầu hết thời gian của họ đều gắn với chiếc xe lăn. Di chứng họ mang trên mình ròng rã suốt những năm sau chiến tranh chính là vết sẹo không thể nào mờ đi trong tâm trí. Dù những vết thương cũ đã liền sẹo, nhưng họ vẫn đang phải từng ngày, từng giờ chiến đấu với thương tật để sống một cuộc sống có ý nghĩa. Và cũng nhờ sự yêu thương, gắn bó của đồng đội, sự chăm sóc tận tình của tập thể cán bộ, nhân viên y tế và sự quan tâm của cả xã hội luôn khiến những thương binh nặng thấy ấm lòng. Dưới một mái nhà chung, họ chung một niềm tin, một ý chí, một tình yêu thương không gì suy chuyển, cứ thế, cuộc sống của họ trôi qua mỗi ngày càng thêm ý nghĩa. Sống sao cho con cháu, cho những người trẻ noi theo, học tập một thế hệ Bộ đội Cụ Hồ năm nào, những người thương binh, vẫn yêu đời và tràn đầy niềm hy vọng vào tương lai của đất nước.
      Qua các câu chuyện, các nhân vật ở 2 Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh mà đoàn làm phim kể trong “Ngày về”, khán giả sẽ thấy, có những nỗi đau mà không chiến thắng nào có thể bù đắp nổi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã qua đi rất lâu, nhưng đến hôm nay, quá khứ và những khốc liệt của những năm tháng ấy như vẫn luôn hiện hữu trong những người lính này, họ không thể về nhà do tình trạng sức khỏe không đảm bảo. Cuộc sống của những người đang tìm “Ngày về” sẽ khiến khán giả không khỏi trăn trở về cái giá của hòa bình và những gì mà thế hệ hôm nay đã làm được để xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ cha ông.
     Cách đây hơn 40 năm, họ đã từng là những thanh niên trẻ tuổi, khỏe mạnh, đầy nhiệt huyết, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường ra trận chiến đấu. Đến nay, đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhưng vẫn còn rất nhiều những thương, bệnh binh phải ở lại các Trung tâm điều dưỡng. Trong số những thương, bệnh binh ấy, có người mang những vết thương nặng ở cột sống, mất hơn 80% sức lực, có những người lại bị tâm thần phân liệt, mất hết trí nhớ, không ý thức được cả những việc sinh hoạt cá nhân. Ở họ, những ký ức, vết thương, và những mất mát của năm tháng chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Và, những khi trái gió, trở trời, các thương, bệnh binh lại tiếp tục cuộc chiến âm thầm, chống chọi với căn bệnh mà chiến tranh mang lại.
     Tác phẩm “Ngày về” đã mang đến cho khán giả niềm cảm động dâng trào về những mất mát không thể đong đếm mà những thương, bệnh binh và người thân của họ đang phải gánh chịu. Âm nhạc được sử dụng xuyên suốt tác phẩm là giai điệu trữ tình, mượt mà, sâu lắng góp thêm thành công cho bộ phim. Cùng với cảm xúc chung của tác phẩm, âm nhạc trong phim vẫn còn ngân vang mãi trong tâm trí người xem, dư âm về những cuộc đời, những số phận, những câu chuyện trong bộ phim có lẽ vì thế sẽ còn vương vấn mãi trong lòng khán giả.
    Tháng 7 về, ta thấy lòng mình lắng lại. Bộ phim tài liệu “Ngày về” không nhằm mục đích nào ngoài tri ân những người lính đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, những người thương, bệnh binh vẫn đang ngày đêm chiến đấu với những căn bệnh hiểm nghèo, những nỗi đau dai dẳng để vươn lên. Thông qua đó, thế hệ hôm nay và mai sau có thể ôn lại truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của quân và dân ta giành độc lập tự do; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”.
                                                          Nguyễn Thực

Bài viết liên quan