Bước đột phá mới của Điện ảnh Quân đội nhân dân khi tham gia Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII

Hướng tới Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tổ chức tại Đà Lạt – Lâm Đồng, Điện ảnh Quân đội nhân dân có 12 bộ phim vào vòng chung khảo, trong đó có 9 phim tài liệu, 3 phim khoa học.

Điện ảnh Quân đội luôn là hãng phim đi đầu trong sản xuất phim tài liệu về đề tài chiến tranh. Tham dự Vòng Chung khảo, Điện ảnh Quân đội có 4 phim tài liệu đề cập đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những khía cạnh mới. Đó là những ký ức suy tư về chiến dịch Khe Sanh qua lăng kính một thanh niên trẻ thế kỷ 21 trong phim “Trở về Khe Sanh”. Là khát vọng hòa bình muôn đời của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong phim “Bầu trời của hòa bình”. Phim “Hóa giải” đề cập đến cuộc hội ngộ của những phi công Việt Nam và Hoa Kỳ từng tham gia chiến tranh; từ đó thể hiện sự đúng đắn của việc hóa giải hận thù, xây dựng hòa bình của những người lính hai bên, rộng hơn là của hai dân tộc. Phim “Khát vọng thiên thanh” ca ngợi thế hệ phi công có khát vọng chiến đấu mãnh liệt bảo vệ bình yên cho bầu trời Việt Nam, mà họ gọi tên là “Khát vọng thiên thanh”.
Về đề tài Thương binh liệt sỹ và Hậu chiến, Điện ảnh Quân đội có 2 tác phẩm đặc sắc. Phim tài liệu “Niềm tin” kể về trường hợp đặc biệt của quân nhân Đặng Thành Tuấn ở Bình Định, là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã viết tâm thư bằng máu để xin ra trận rồi hy sinh. Chiến tranh kết thúc, giấy tờ thất lạc, hơn nửa thế kỷ qua, gia đình, các cán bộ chính sách, các tình nguyện viên vẫn đi tìm đồng đội của ông cũng như các thông tin liên quan để chứng minh sự hy sinh của thân nhân mình; từ đó khẳng định niềm tin vững chắc vào những phẩm chất cao đẹp của người lính, niềm tin rằng Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta không bao giờ quên những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Cảnh trong phim "Niềm tin". Bộ phim không sử dụng lời bình mà lấy hình ảnh người cháu ruột của liệt sĩ dẫn chuyện, kết nối với lời kể của rất nhiều nhân chứng qua các thời kỳ đã đồng hành cùng quân nhân Đặng Thành Tuấn.
 
Phim “Suối nguồn” đã thành công trong việc xây dựng hình tượng người lính vẫn vẹn nguyên những phẩm chất cao quý sau khi rời quân ngũ. Phim kể về một cựu chiến binh sau khi xuất ngũ đã dành hơn ba thập kỷ cần mẫn xây dựng những trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi; dùng tình thương và tấm gương sống, lao động của mình làm suối nguồn để hàng trăm em bé rưởng thành, trở thành giáo viên, thạc sỹ, kỹ sư, sỹ quan biên phòng… Thời lượng chưa đầy 30 phút của bộ phim cũng đủ để khán giả khắc sâu những giá trị cao quý của người lính: Sự hy sinh, tình yêu thương đối với Nhân dân và con trẻ, tính kỷ luật, ý chí, và cả sự nghiêm khắc. Khán giả sẽ khó quên hình ảnh rất giản dị và giàu tình cảm  của nhân vật chính – cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt: Từ cách ánh mắt, nụ cười nhẹ nhàng, hồn hậu, những lời tâm sự mộc mạc mà thấm thía tình yêu thương. Và cả những khoảnh khắc quý giá thể hiện tình yêu mà người cha ấy dành cho những đứa con nuôi của mình, như khi ông phát biểu thay mặt nhà gái nhân ngày cưới một trong những cô con gái của trung tâm, hay khi ông trầm lặng một mình lái chiếc xe chở hàng Tết lên vùng núi phía Bắc cho những đứa trẻ…
 
Cảnh trong phim tài liệu “Suối nguồn” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất.
 
Đối với đề tài về người lính hôm nay, Điện ảnh Quân đội tham gia Liên hoan phim với hai bộ phim mang hai sắc thái khác nhau.
Phim “Thanh âm đại ngàn” đi sâu phản ánh người lính trên con đường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Người lính trong phim không chỉ mạnh mẽ trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, mà đã hòa nhịp cùng người dân Tây Nguyên phục hồi di sản văn hóa cồng chiêng. Với ý đồ xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm là Âm thanh cồng chiêng, ê kíp làm phim đã khai thác âm thanh cồng chiêng trên nhiều góc độ, ở nhiều không gian, đưa khán giả đến với một bữa tiệc âm thanh phong phú. Âm thanh hiện trường được các nhà làm phim tôn trọng tối đa, để tạo độ chân thực. Đối với những cảnh quay có tiếng của bà con dân tộc Tây Nguyên, ê-kíp thu thanh vừa nghe tiếng hiện trường, vừa nghe cả người phiên dịch bên cạnh để hiểu và ghi chép lại những cụm ý quan trọng. Bên cạnh những sáng tạo về thủ pháp làm phim, Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống hậu kỳ, hòa âm hiện đại. Công nghệ hoà âm và thủ pháp hoà âm của kỹ sư âm thanh trong phim này đã nâng chất lượng nghệ thuật của bộ phim lên rất nhiều.
Các kỹ sư âm thanh của Điện ảnh Quân đội dành rất nhiều công phu chăm chút cho âm thanh của phim “Thanh âm đại ngàn” bằng hệ thống công nghệ âm thanh 5.1.
 
Trong phim “Thép trong lòng biển sâu”, hình ảnh người lính được phản ánh rất mạnh mẽ và dạn dày bản lĩnh khi trải qua biết bao gian khổ, khó khăn. Phim nói về lực lượng tàu ngầm của Quân đội nhân dân Việt Nam, một lực lượng mới, hiện đại. Khi xem phim, khán giả thấy rõ những gian khổ mà người lính trải qua khi huấn luyện làm chủ tàu ngầm; những phẩm chất cao quý mà họ đã rèn luyện qua từng ngày: Đoàn kết, Trung thành, Bí mật, Kỷ luật. Phim cũng đề cập đến thế giới tinh thần của người lính tàu ngầm, những suy tư về khát vọng làm chủ tàu ngầm, làm chủ đại dương, tiếp bước tiền nhân đưa ý chí bảo vệ Tổ quốc vào trong lòng biển. Đối với người lính tàu ngầm dạn dày bản lĩnh, lòng đại dương không còn đầy bí ẩn và hiểm nguy, mà đơn giản là một không gian của tự nhiên, mà họ có thể vén tấm màn bí ẩn của nó mà bước vào chẳng e ngại. Cứ như thế, người lính tàu ngầm bình thản và kiêu hùng tiến vào lòng biển khơi. Đây là bộ phim đột phá về mặt đề tài, khai thác sâu nội dung về lực lượng đặc biệt tinh nhuệ và cũng bí ẩn nhất của Quân đội. Để phục vụ cho công tác tiền kỳ, phim đã sử dụng các thiết bị ghi hình tiên tiến nhất hiện nay, trong đó có cả các thiết bị ghi hình dưới nước và rất nhiều thiết bị chuyên dụng của điện ảnh.
“Thép trong lòng biển sâu” đã sử dụng các thiết bị ghi hình tiên tiến nhất hiện nay, trong đó có cả các thiết bị ghi hình dưới nước và rất nhiều thiết bị chuyên dụng của điện ảnh.
 
Trong 3 phim khoa học tham dự Liên hoan Phim của Điện ảnh Quân đội, đã đề cập đến những vấn đề nóng bỏng trong xã hội hiện nay. Phim “Bốn tại chỗ trong phòng chống bão lũ” phân tích sâu về phương châm “Bốn tại chỗ”  ứng dụng trong phòng chống bão lũ. Phim “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” được hoàn thành đúng thời điểm đất nước ta xảy ra những vụ cháy lớn, gây nhiều thiệt hại, vấn đề phòng, chữa cháy được toàn xã hội quan tâm. Với chủ đề nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy, bộ phim đã đặt ra một góc nhìn trúng, đúng, cần thiết đối với công tác phòng - chữa cháy. Phim phân tích nguyên lý, thiết kế và xu hướng ứng dụng của 3 sản phẩm chữa cháy do nhà máy Z113 – Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thiết kế, chế tạo. Các sản phẩm này có thể khắc phục những hạn chế của các phương pháp chữa cháy hiện nay. Bộ phim khoa học này đã góp một tiếng nói thiết thực đối với vấn đề nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy trong nhân dân.
“Nghiên cứu về ứng dụng trong công nghệ chữa cháy” là phim khoa học nhưng tính ứng dụng và tính thời sự của tác phẩm lại rất cao - nhất là trong thời điểm các vụ cháy nổ ngoài xã hội đang xảy ra ngày một nhiều.
 
Phim khoa học “Sinh tồn” đề cập đến một giáo trình rất riêng, rất độc đáo của Quân đội. Đó là giáo trình dạy cho người lính cách duy trì sự sống khi bị lạc trên đảo nhiệt đới không người. Trong phim, những người lính đặc công đã thực hiện một cuộc diễn tập trên đảo nhiệt đới, thực hành đầy đủ các bước của giáo trình. Bằng những góc quay, chuyển động máy và những khuôn hình đậm chất điện ảnh, Sinh tồn hứa hẹn sẽ đem lại nhiều ấn tượng mới lạ cho khán giả thông qua những chuyển động đầy ấn tượng của máy quay.
Với những tác phẩm đa dạng, phong phú về người lính tham dự Liên hoan  Phim Việt Nam lần thứ 23, Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò là một đơn vị làm phim uy tín về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, góp phần đưa hình ảnh người lính đến với đông đảo khán giả và nhân dân./

 

Bài viết liên quan